Thận trọng khi vay tiêu dùng

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ đăng bài “Cho vay lãi suất ưu đãi 0%”, Đường dây nóng Báo ANTĐ đã nhận được khá nhiều phản hồi của người dân về vấn đề này. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự băn khoăn liệu mức lãi suất trên có được áp dụng trong thời gian dài và nếu họ có khả năng thanh toán trước hạn thì việc thanh lý hợp đồng sẽ diễn ra thế nào?
Thận trọng khi vay tiêu dùng ảnh 1
Khi khả năng tài chính không dư dả, vay tiêu dùng là lựa chọn
của nhiều khách hàng để được sử dụng ngay món đồ mình cần
Ảnh minh họa


Thủ tục đơn giản, trả nợ phức tạp?

Gần đây, chị Lê Hồng Linh (ở khu đô thị mới Xa La, Hà Đông, Hà Nội) liên tục nhận được những cuộc điện thoại mời cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi. Một số công ty tài chính, công ty cho vay tiêu dùng còn liên kết với các siêu thị điện máy tổ chức phát tờ rơi quảng cáo chương trình “cho vay lãi suất hấp dẫn”. Với cách thức cho vay đơn giản, chủ yếu thực hiện bằng tín chấp, thủ tục nhanh gọn, chỉ cần chứng minh thư, bằng lái xe hoặc hộ khẩu, người tiêu dùng có thể được vay trả góp nhanh chóng để mua xe máy, điện thoại, laptop, hàng gia dụng… với số tiền mặt lên tới hàng trăm triệu đồng.

Để thu hút khách hàng, lãi suất từ các gói cho vay thường khá thấp, chỉ từ 0-10%, trong vài tháng đầu, mức lãi suất ở mức 0%, sau đó sẽ tăng dần lên. Mức lãi suất cao hay thấp phụ thuộc vào thời gian vay. Nếu thời gian vay càng dài thì lãi suất càng cao. Đối với khoản vay mua ô tô và tiêu dùng có thế chấp, một số công ty tài chính đã áp dụng chương trình “khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 0% trong 3 tháng đầu cho khoản vay trên 24 tháng với số tiền 2 tỷ trở lên. Khách hàng có thể vay số tiền tối đa gấp 15 lần thu nhập, giá trị khoản vay từ 400-600 triệu đồng trong thời gian từ 1-5 năm”. 

Còn theo anh Vũ Đức - nhân viên văn phòng ở quận Thanh Xuân, do cậu con trai vừa nhận được tin đỗ đại học nên anh Đức quyết định tặng con một chiếc xe máy. Do tiền mặt không dư dả nên anh Đức quyết định mua hàng theo phương thức trả góp. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, anh Đức phải thay đổi ý định do mức lãi quá cao. Với giá chiếc xe là 40 triệu đồng, anh Đức sẽ phải trả trước số tiền 50% (tương ứng 20 triệu đồng). Số tiền còn lại anh sẽ phải trả dần trong 6 tháng, với mức lãi suất 3,5%/tháng.. 

Không cẩn thận như anh Đức, một số khách hàng khi nhận được thông tin cho vay tiêu dùng với mức lãi suất gần như cho không nên đã vội vã ký kết các hợp đồng vay. Song, khi  họ có đủ điều kiện trả nợ, muốn thanh lý hợp đồng trước thời hạn lại không được chấp nhận. Lý do là hợp đồng này đã quy định, nếu khách hàng muốn thanh lý hợp đồng trước hạn thì họ buộc phải chấp nhận trả tiền phạt hợp đồng. Khách hàng kết thúc hợp đồng càng sớm thì số tiền bị phạt càng nhiều. Bên cạnh đó, trong các hợp đồng thường quy định mức lãi suất theo thị trường nhưng do không đọc kỹ nên hầu hết khách hàng không quan tâm đến vấn đề này. Chỉ đến khi bên cho vay thông báo điều chỉnh mức lãi suất cho vay tăng đột biến họ mới giật mình nhưng đã quá muộn.

Thận trọng trước khi ký hợp đồng

Theo ông Nguyễn Đình Lương - chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, khi cho vay tiêu dùng, nếu không tính toán kỹ, cả bên cho vay và bên vay đều có thể gặp rủi ro. Với bên vay, lợi ích trước mắt là khách hàng dù không có hoặc có  không đủ tiền song vẫn có thể được sử dụng ngay một món hàng mình đang cần. Trong khi đó, thông thường mức lãi suất trả theo dư nợ gốc áp dụng với mua hàng trả góp ở mức khá cao, từ trên 3 %-5,5%/tháng, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính dao động trên dưới 10 %/năm. Do vậy, trước những lời chào mời vay lãi suất thấp, khách hàng cần hết sức cẩn trọng và tìm hiểu kỹ bởi có sự chênh lệch giữa lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức tài chính. Khi cho vay tiêu dùng, đối tượng mà các NHTM hướng tới là khách hàng đã có tiền gửi tại ngân hàng, mức độ rủi ro thấp nên lãi suất cho vay thấp hơn. Trong khi đó, các công ty tài chính thường quan tâm đến những người có nhu cầu nhưng không có tài sản bảo đảm, mức độ rủi ro cao nên lãi suất cao hơn.  Còn đối với bên cho vay, nếu chưa xem xét kỹ khách hàng mà đã cho vay ồ ạt thì khả năng khó thu hồi được nợ là rất cao.

Còn theo luật sư Phạm Công - Đoàn Luật sư Hà Nội, thực tế có không ít tổ chức tài chính nhỏ lẻ đã liên kết cùng cửa hàng, đại lý bán hàng trả góp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng đã thêm vào những điều khoản bất lợi cho người vay như việc khách hàng muốn kết thúc sớm hợp đồng sẽ phải chịu thiệt hại. Đã có nhiều trường hợp người vay không đọc kỹ còn nhân viên phía cho vay lại không tư vấn đầy đủ cho khách. Do vậy, để tránh bị thiệt thòi, khách hàng cần xem xét cẩn thận các điều khoản, trong đó chú ý đến số tiền vay, mức lãi suất vay, thời gian vay, việc thanh lý hợp đồng... Ngoài ra, bản thân người đi vay phải hết sức cân nhắc về khả năng trả nợ của mình bởi với thời gian vay khác nhau sẽ có mức lãi suất khác nhau. Trong thời điểm lãi suất cho vay cao, nếu không có nhu cầu thật sự cấp thiết, người tiêu dùng không nên vay hay mua hàng trả góp.