- Ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp công dân phải được sự đồng ý nhằm bảo vệ người tố cáo
- Không quay phim, ghi âm ở trụ sở tiếp dân khi chưa được đồng ý: Tạo môi trường làm việc chặt chẽ, đúng mực
- Nhiều địa phương quy định "không quay phim, ghi âm ở trụ sở tiếp dân"
PV: - Thưa luật sư, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân TP, trong đó có quy định : “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Dưới góc độ luật pháp, ông đánh giá thế nào về quy định đó?
Luật sư Hoàng Văn Hướng: - Để đánh giá về Quyết định số 12/QĐ-UBND về ban hành Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân TP, chúng ta cần căn cứ vào hệ thống quy định của pháp luật.
Theo hệ thống pháp luật về tiếp công dân cũng như đảm bảo quyền giám sát của công dân (Hiến pháp năm 2013, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Tiếp công dân…), tất cả đều cho phép công dân có quyền giám sát, đảm bảo tính công khai và dân chủ trong hoạt động tiếp dân. Dù vậy, cùng với đó, có nguyên tắc phải đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trong khu vực cơ quan công quyền và tiếp công dân. Điều 16 của Luật Tiếp công dân có nêu vấn đề phối hợp trong việc bảo vệ tại trụ sở tiếp công dân, người tiếp công dân, tức là đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự cho người tiếp công dân tại trụ sở cũng như người đến làm việc.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng đánh giá quy định không quay phim, ghi âm ở trụ sở tiếp dân là cần thiết
Quyết định số 12/QĐ-UBND đang vận dụng nguyên tắc đảm bảo an ninh, an toàn ở khu vực tiếp công dân. Còn về vấn đề ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp công dân, chúng ta cần lưu ý, quyền giám sát của công dân không chỉ gồm quay phim, ghi âm, ghi hình mà có thể thực hiện bằng rất nhiều cơ chế.
Theo tôi được biết, tại Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội, Ban Tiếp công dân TP đã tổ chức ghi âm, ghi hình một cách bài bản nên công dân đến làm việc nếu có nhu cầu có thể yêu cầu cơ quan đón tiếp trích xuất camera, trích xuất ghi âm để làm căn cứ bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình.
Bạn thử hình dung, nếu bất kể công dân nào đến trụ sở tiếp công dân đều có thể đưa máy điện thoại, dí vào mặt người tiếp mình rồi livestream lên mạng xã hội thì hình ảnh đó không bao giờ đẹp được. Nhiều nước người ta cũng có thể cấm hoặc hạn chế việc ghi âm, ghi hình nếu việc đó làm xấu đi hình ảnh cơ quan công quyền hoặc gây rối trật tự của nơi tiếp công dân.
- Như vậy, quy định tại Quyết định số 12/QĐ-UBND là phù hợp hệ thống pháp luật hiện hành và cần thiết, thưa ông?
- Đúng vậy! Tôi cho rằng, quan điểm, tinh thần của Quyết định số 12/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội là khách quan. Quy định này đảm bảo những quy tắc chung nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp thực tế cuộc sống. Như tôi đã nói, chúng ta đảm bảo quyền giám sát thì ngược lại cũng phải đảm bảo an ninh, an toàn, sự tôn nghiêm trong khu vực tiếp công dân.
Cũng cần hiểu rõ hơn là quy định không ghi âm, ghi hình ở đây là với các cá nhân có mục đích xấu, còn người có hoạt động đúng đắn thì người tiếp dân hoàn toàn có thể cho phép ghi âm, ghi hình.
Tôi cho rằng, cơ quan tiếp dân cần có trách nhiệm tổ chức, áp dụng các cách thức sao đó để vừa đảm bảo quyền giám sát, công khai của công dân, vừa đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn của khu vực tiếp công dân.
Có ý kiến nói trong hoạt động tố tụng hình sự cũng đang tổ chức ghi âm, ghi hình sao ở đây lại không cho? Chúng ta cần hiểu rằng, việc ghi âm, ghi hình trong hoạt động tố tụng hình sự hoàn toàn là do các cơ quan công quyền tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo tính khách quan, công khai chứ không phải ai cũng có thể tự ý làm việc này.
Đa số bà con đi khiếu kiện, khiếu nại đều mang theo những bức xúc chưa giải quyết được nên cần sự thấu hiểu và chia sẻ
- Với những trụ sở tiếp công dân đã trang bị camera thì công dân dễ thực hiện quyền giám sát, còn những nơi chưa được trang bị thì sao, thưa ông?
- Tôi kêu gọi và mong muốn các cơ quan Nhà nước khẩn trương trang bị cơ sở vật chất để phục vụ việc giám sát tại các trụ sở tiếp dân. Hệ thống camera, thiết bị ghi âm, ghi hình hiện nay có chi phí không quá cao, không quá khó khăn để trang bị. Chúng ta nên sớm trang bị đầy đủ để công dân thuận tiện giám sát.
Tôi cũng nhắc lại, việc tổ chức ghi âm, ghi hình phải do cơ quan công quyền thực hiện, đảm bảo tính khách quan và đúng mục đích để giám sát các hành vi hành chính của người tiếp công dân. Chúng ta không thể để xảy ra tình trạng lợi dụng việc đó để xâm phạm an ninh, an toàn và tính tôn nghiêm của trụ sở tiếp công dân.
Chúng ta phải làm rõ điều này để mọi người cùng hiểu. Cùng đó, cần tiếp tục cải cách hoạt động tiếp công dân, từ vấn đề bố trí cán bộ phù hợp, chất lượng tiếp công dân đến trang bị cơ sở vật chất... Tôi cho rằng, nếu làm tốt các việc này, công tác tiếp dân trên địa bàn Hà Nội sẽ được cải thiện hơn nữa. Đa số bà con đi khiếu kiện, khiếu nại khi đến các cơ quan tiếp công dân đều mang theo những bức xúc chưa giải quyết được, chúng ta cần thấu hiểu điều này và chia sẻ với bà con.
Ngày 3/1/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân thành phố, trong có quy định: “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Liền sau đó, dư luận có một số nhiều ý kiến nhiều chiều xoay quanh quy định này. Dù vậy, Hà Nội không phải là nơi duy nhất có quy định hạn chế quay phim, chụp ảnh, ghi âm ở nơi tiếp công dân.
Thực tế, từ năm 2015, nhiều tỉnh, thành phố, bộ ngành trên cả nước đã ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, trong đó có đưa ra yêu cầu tương tự về việc không cho phép quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa được sự đồng ý của người có thẩm quyền.