Không thể trả nợ thay

ANTĐ - Nếu bây giờ Chính phủ cứu doanh nghiệp một cách tràn lan thì không thể có đủ nguồn lực, chưa kể điều này sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại. Cần phải hiểu không chỉ là tái cơ cấu riêng doanh nghiệp Nhà nước mà là tái cơ cấu tất cả các thành phần kinh tế, có cả doanh nghiệp tư. Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách về tài chính ngân sách nhấn mạnh như vậy bên hành lang Quốc hội. Theo ông, so với lộ trình từ đầu năm, việc hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp khá nhanh. Quý I dự kiến hạ lãi suất 1%, nhưng đến nay đã hạ đến mức 4%.

Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế đã được “giải phẫu” khá cẩn trọng tại hội trường Quốc hội. Theo các đại biểu Quốc hội, đây là một vấn đề đại sự, hệ trọng của đất nước cần có thời gian chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Nếu nóng vội sẽ phải trả giá rất đắt. Tổng tài sản của doanh nghiệp hiện khoảng 1.799.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chỉ có 40%.

Vậy sau khi tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, nợ khó đòi, thanh lý tài sản công nghệ lạc hậu để chuyển đổi cơ cấu sản xuất thì vốn chủ sở hữu còn được bao nhiêu? Một đại biểu chỉ ra, các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ tới 70% tổng vốn đầu tư xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại và tới 70% nguồn vốn ODA, thế nhưng đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chỉ có 37,38% GDP. Thật là khó chấp nhận về vai trò chủ đạo nền kinh tế của khu vực đã được hưởng quá nhiều ưu ái, chăm sóc từ “bầu sữa” Nhà nước và được kỳ vọng rất nhiều.

Tại một cuộc hội thảo góp ý cho Đề án, các chuyên gia kinh tế cũng như một số quan chức đều có chung nhận định rằng, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước phải bắt đầu từ chính những khiếm khuyết cố hữu của khu vực này. Điểm đáng lo ngại dẫn đến tình trạng ốm yếu, “hư hỏng” của doanh nghiệp Nhà nước chính là công tác giám sát tài chính. Trong những trường hợp phải cắt bỏ “khối u” nguy hiểm nhất, tức là hiệu quả của quá trình thoái vốn hoặc bán các doanh nghiệp, cần phải được cân đối và tính toán rất thận trọng.

Theo ý kiến của nguyên Cục Tài chính doanh nghiệp, những doanh nghiệp nào hoạt động không hiệu quả, gây thất thoát và thiệt hại thì cần phải “thoái” sớm, còn doanh nghiệp nào có hiệu quả thì “thoái” từ từ. Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng đồng tình cho rằng, đây là quá trình phải trả giá. Thoái vốn phải theo cơ chế thị trường, thay vì để càng ngày càng thiệt hại, thì phải xử lý thoái vốn ngay. Thà rằng Nhà nước chịu lỗ một chút còn hơn “nuôi báo cô”, rồi sau này mất toàn bộ vốn. Có thể giải thể, phá sản một doanh nghiệp, trên mảnh đất ấy cho doanh nghiệp tư nhân mọc lên. Một đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia tỏ ra quyết liệt nói rằng, doanh nghiệp nào nợ thì phải tự giải quyết, Nhà nước không thể đứng ra trả nợ thay doanh nghiệp. Nếu họ không trả được nợ thì cần xử lý theo Luật Phá sản. Ai cho doanh nghiệp vay, mất khả năng chi trả thì phải ráng chịu, phải mạnh dạn làm như vậy. Đồng tiền vay có làm ra hiệu quả không? Vay và sử dụng vào mục đích gì, có phù hợp không? Tất cả phải công khai, minh bạch và trung thực.

Một chuyên gia tài chính cảnh báo, mười mấy năm nay hệ thống kiểm soát nội bộ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước gần như không có. Hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ chính là chiếc “cầu chì”. Một doanh nghiệp không có 3 vòng kiểm soát là sẽ tan nát. Nhà nước không thể trả nợ thay cho doanh nghiệp. Càng không thể lời ăn, lỗ dân chịu.