Phòng ngừa xâm phạm hiệu vàng (2)

Không thể chờ tự giác

ANTĐ - Kế hoạch 72 từ năm 2007 của CATP Hà Nội đã đề cập nội dung quan trọng là công tác - ý thức phòng ngừa ngay từ cơ sở, từ chính mỗi cửa hàng kinh doanh vàng, đồ trang sức. 

Hiệu vàng trên phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng từng bị cướp

“Nước đổ lá khoai”

Riêng từ đầu năm 2012 trở lại đây, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP, các phòng nghiệp vụ như Phòng CSHS, Phòng KTHS phối hợp với công an 29 quận, huyện, thị xã đã mở hàng chục lớp tuyên truyền, hướng dẫn phòng ngừa xâm phạm hiệu vàng, ngân hàng, quỹ tín dụng; gửi hàng nghìn thông báo về thủ đoạn hoạt động của tội phạm đến từng cơ sở kinh doanh. Không biết bao nhiêu bản cam kết phòng ngừa tội phạm, tự trang bị phương tiện - thiết bị an ninh, thực hiện nguyên tắc đảm bảo an toàn khi kinh doanh… đã được các chủ cửa hàng vàng ký với chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, việc thực hiện những cam kết ấy ra sao lại là cả một vấn đề.

Trung tá Lê Văn Hồng - Đội trưởng Đội Kỹ thuật phòng chống tội phạm, thuộc Phòng KTHS CATP Hà Nội trăn trở: “Sau mỗi vụ việc xảy ra liên quan đến cửa hàng vàng, ngân hàng, chúng tôi đều kết hợp với địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh biện pháp phòng ngừa; rồi gợi mở cả việc trang bị thiết bị để báo động, phòng chống đối tượng xâm phạm.

Thế nhưng, phản hồi từ phía các cơ sở kinh doanh rất ít”. Rà soát của phòng nghiệp vụ CATP cho thấy, thời điểm hiện tại trên địa bàn thành phố còn khá nhiều cơ sở kinh doanh vàng chủ quan trong phòng ngừa tội phạm. Phổ biến nhất là “lỗi” không có nhân viên bảo vệ. Tiếp đến là việc tự trang bị camera, nhưng vị trí lắp đặt lại không bao quát được phạm vi cần phòng ngừa, hoặc chất lượng camera quá kém do… mua đồ rẻ. Từng có vụ trộm bi hài tại một cửa hàng vàng trên địa bàn giáp ranh quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm; chủ cửa hàng “đầu tư” thiết bị hồng ngoại “quét” toàn bộ khu vực trưng bày vàng trong nhà. Đêm hôm ấy, 3, 4 lần thiết bị cảm ứng báo động lên tầng 2 - phòng ngủ của chủ cửa hàng. Thế nhưng mấy lần xuống, chủ cửa hàng đều không phát hiện điều bất thường. Đến sáng tỉnh giấc, gia chủ mới tá hỏa khi toàn bộ vàng trong quầy đã không cánh mà bay. Khi tường trình tại cơ quan chức năng, chủ cửa hàng vàng đó “nhớ mang máng: “Lần cuối cùng trước khi ngủ say, tôi có nghe thiết bị hồng ngoại báo lần nữa, nhưng nghĩ là… chuột nên không xuống kiểm tra”.

Ghi nhận của Phòng KTHS CATP cho thấy, thời điểm hiện tại, tích cực và chủ động nhất trong công tác phòng ngừa tội phạm xâm phạm hiệu vàng là quận Đống Đa. Hơn 300 cửa hàng kinh doanh vàng bạc, trụ sở ngân hàng, quỹ tín dụng trên địa bàn quận này đã lắp đặt loa báo động và được tập huấn công tác phòng ngừa tội phạm xâm phạm. Nhiều cửa hàng kinh doanh đã kết nối thiết bị báo động bí mật trực tiếp với công an cơ sở. Đâu là “bí quyết” của quận Đống Đa? Câu hỏi chúng tôi đặt ra với đồng chí Bùi Văn Đại - Trưởng CAQ. Điều đầu tiên, các lớp tập huấn - tuyên truyền được tổ chức, CAQ yêu cầu trực tiếp chủ cửa hàng, hay người điều hành ngân hàng, quỹ tín dụng phải dự. Tiếp đến, việc trang bị, lắp đặt thiết bị an ninh hay bố trí nhân viên bảo vệ, sau khi cơ sở ký cam kết sẽ chịu sự giám sát thực hiện cam kết ấy bởi cán bộ cơ sở. Việc lắp đặt thiết bị phòng ngừa có thể chậm, nhưng nhất định phải làm. Chính sự kiên quyết này mà từ đầu năm 2012 đến nay, quận Đống Đa không xảy ra những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến hoạt động trộm, cướp tại các cơ sở kinh doanh vàng bạc, ngân hàng. Nó cũng phản ánh một thực tế là chỉ khi chính quyền cơ sở nhận thức và vào cuộc thực sự, thì ý thức phòng ngừa của hộ kinh doanh vàng bạc mới được nâng lên.

Không thể tuyên truyền “suông”

“Cần sớm có những nguyên tắc về đảm bảo an ninh đặt ra với loại hình kinh doanh vàng, bạc tư nhân, và có những chế tài nghiêm khắc nếu như cơ sở không thực hiện nguyên tắc ấy”, Đại tá Nguyễn Văn Quyền - Trưởng phòng KTHS CATP Hà Nội đề xuất và phân tích: “Giống như việc xây một khu nhà cao tầng, điều kiện thiết yếu phải đảm bảo tốt công tác phòng chống cháy nổ; các hiệu vàng cũng phải có “thiết kế” phòng ngừa tội phạm xâm phạm, như kết cấu tường nhà, cửa, đã lắp đặt thiết bị báo động chưa, việc bố trí người trông cửa hàng, nhân viên bảo vệ… Thiếu hoặc chậm khắc phục một tiêu chí nào, cơ quan chức năng sẽ không cấp đăng ký kinh doanh, hoặc yêu cầu cửa hàng đó phải tạm dừng kinh doanh”.

Phòng ngừa xâm phạm hiệu vàng là khuyến cáo đều đặn của cơ quan chức năng; là điều mà chắc chắn nhiều cửa hàng vàng từng nghe đến, thậm chí ý thức được nguy cơ có thể xảy đến, nhưng khi thực hiện khuyến cáo, không ít nơi còn tỏ ra thờ ơ. Hiệu quả công tác phòng ngừa sẽ không thể cao, khi chúng ta cứ đã và đang chỉ phòng ngừa một vế từ cơ quan công an. Thực tế cho thấy, cứ sau mỗi vụ án xâm phạm hiệu vàng xảy ra lại có những “kinh nghiệm”, “tồn tại” cần được mổ xẻ. Đó là những kinh nghiệm không mới, từng được cơ quan chức năng chỉ rõ nhiều lần. Chính vì công tác tuyên truyền đang mới chỉ nhắm đến sự tự giác của các chủ hiệu vàng, nên những “tồn tại” vẫn có cơ hội để… tồn tại. Và thiệt hại về tài sản, sức khỏe, thậm chí cả tính mạng đã phải đánh đổi cho những “tồn tại” ấy…

Để phòng ngừa tội phạm xâm phạm hiệu vàng, cần:

Lắp đặt thiết bị về an ninh, hệ thống báo động; lắp đặt camera có khả năng quan sát và ghi lại hình ảnh tại địa điểm kinh doanh. Bố trí lực lượng bảo vệ đủ số lượng, có chất lượng, được trang bị kiến thức trong công tác bảo vệ. Không nên mở cửa hàng và hoạt động kinh doanh quá 18h hàng ngày. Không nên để nhiều tài sản trong cửa hàng. Các buổi trưa từ 11h đến 14h nên tăng cường bảo vệ, cất bớt hàng bày ở quầy. Tủ bày hàng nên dùng các loại kính 3 lớp, không bị vỡ vụn khi bị đập. Và, khi phát hiện nghi vấn phải báo ngay lực lượng công an biết để xử lý.