Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov chiều 2/3 cho biết, 58 máy bay của Ukraine đã bị phá hủy trong khuôn khổ hoạt động quân sự đặc biệt của Quân đội Nga.
Trước đó Thiếu tướng Igor Konashenkov cũng cho biết phần lớn những sân bay quân sự của Ukraine đã bị Nga vô hiệu hóa.
Theo thông tin được phía Nga công bố, phần lớn các máy bay đã bị phá hủy trước khi chúng cất cánh; trong đó có 47 máy bay bị phá hủy trên mặt đất và 11 máy bay trên không.
Những hình ảnh về các chiến đấu cơ MiG-29 của Ukraine bị phá hủy ngay trên đường băng cũng được công bố.
Như vậy số máy bay của Không quân Ukraine không chỉ bị phá hủy bởi tên lửa của đạn đạo, mà còn bị cả lực lượng phòng không Nga bắn rơi.
Các máy bay của không quân Ukraine bị loại khỏi vòng chiến bao gồm chiến đấu cơ, vận tải cơ và cả trực thăng.
Hình ảnh chiếc vận tải cơ An-26 của không quân Ukraine bị phá hủy ngay trong những ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Ngay cả máy bay chiến đấu không người lái Bayraktar-TB2 của quân đội Ukraine cũng bị phòng không Nga bắn hạ.
Hình ảnh máy bay cường kích Su-25 của không quân Ukraine bị lực lượng phòng không Nga bắn hạ khi chiếc máy bay này tấn công cầu phao của quân đội Nga tại Ukraine.
Điều này cho thấy phần lớn sức mạnh của Không quân Ukraine đã bị phá hủy hoàn toàn và Quân đội Nga đã chiếm ưu thế trên bầu trời Ukraine.
Đã có thông tin Bulgaria, Ba Lan và Slovakia được cho là có ý định viện trợ máy bay chiến đấu MiG-29 và máy bay cường kích Su-25 của họ cho Không quân Ukraine. Nhưng sau đó, Ba Lan và Slovakia đã phủ nhận thông tin này.
Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, nước Ukraine độc lập nổi lên là cường quốc không quân lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga.
Kiev được thừa hưởng một phi đội máy bay ấn tượng của Liên Xô, gồm trên 2.000 máy bay chiến đấu, trong đó có 44 máy bay ném bom chiến lược Tu-22 và Tu-160, và 122.000 nhân viên quân sự, 27.000 nhân viên dân sự.
Phi đội của UAF có thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ chiến đấu, bao gồm từ phóng vũ khí hạt nhân chiến thuật đến các loại vũ khí quy ước có dẫn đường và không dẫn đường.
Nhưng những năm sau đó, UAF trải qua thời kỳ vũ khí xuống cấp và cắt giảm ngân sách. Để tuân thủ Nghị định thư Budapest năm 1994, dưới sự bảo đảm an ninh của Nga-Mỹ-Anh, Ukraine đã phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và loại bỏ các máy bay chiến lược vào năm 1998.
Các loại máy bay khác được bán đi vô số. Chỉ tính từ năm 2007 đến 2017, Ukraine đã bán tới 65 máy bay chiến đấu (gồm các Su‑27, Su‑25, Su‑22, MiG‑29 và MiG‑21), 41 máy bay huấn luyện L-39 Albatros, 6 máy bay vận tải quân sự An-72, An-74, An-12; 3 máy bay tiếp dầu Il-78, 50 phi cơ do thám không người lái Tu-143, 44 chiếc trực thăng Mi-24 cùng với 802 quả tên lửa các loại (chủ yếu là tên lửa không đối không R‑24, R‑27 và R‑73, tên lửa hành trình không đối Kh-59).
Việc bán bớt phi đội máy bay khổng lồ mang lại cho Ukraine hàng trăm triệu USD, nhưng kể từ năm 1991, UAF chưa từng nhận thêm một chiếc máy bay mới nào. Và đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất.
Những cuộc cắt giảm nhân sự lớn, đóng cửa các trụ sở chỉ huy không quân cũng liên tiếp diễn ra. Theo Văn phòng Công tố viên quân sự, có tới 19 đơn vị của UAF phải giải thể chỉ từ năm 2012-2014.
Hiện Ukraine có gần 50.000 nhân viên phục vụ trong UAF, với trụ sở chính tại Vinnytsia, thành phố nằm cách thủ đô Kiev 200 km về phía Tây Nam.
UAF tính tới năm 2019 sở hữu hàng trăm máy bay sẵn sàng chiến đấu. Số này bao gồm khoảng 37 tiêm kích MiG-29, 34 chiếc Su-27, 14 cường kích Su-24M, 31 chiếc máy bay chi viện không quân Su-25, 9 chiếc Su-24MR, 3 máy bay trinh sát An-30, 31 máy bay huấn luyện L-39, 5 máy bay vận tải Il-76 và 3 chiếc An-26. Ngoài ra còn 14 trực thăng Mi-9, 30 Mi-8 và 2 chiếc Mi-2.
Tuy vậy tới đầu năm 2022 năng lực của không quân Ukraine tiếp tục giảm xuống, số máy bay chiến đấu có thể cất cánh được chỉ chiếm khoảng gần 100 chiếc.
Ngân sách quốc phòng của Ukraine gần như đổ vào lục quân thay vì hải quân và không quân, vì thế từ một nước có không quân đứng vào hàng thứ 2 tại châu Âu thời điểm độc lập, giờ đây không quân Ukraine có năng lực tác chiến khá hạn chế.