Không quân Nga nhận lô chiến đấu cơ thứ ba trong tháng, đã có tiêm kích Su-35

ANTD.VN - Tiêm kích Su-35 tối tân đã nằm trong đợt giao hàng mới nhất dành cho Không quân Nga, sau Su-30SM2 và Su-34.

Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS) đã nhận được một lô tiêm kích Su-35 Flanker-E thế hệ 4++, thông tin được công bố vào ngày 3/12/2022 bởi đại diện nhà sản xuất Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC).

UAC cho biết, Điện Kremlin đã bổ nhiệm Hội đồng điều phối chính phủ nhằm giám sát các kế hoạch được giao và đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ thời hạn sản xuất. Cơ cấu này cũng giám sát việc giao máy bay chiến đấu cho VKS.

Thông qua một tuyên bố từ Tổng giám đốc Yuri Slyusar, UAC xác nhận, rằng các cơ sở sản xuất của họ ở thành phố Komsomolsk-on-Amur (ở Viễn Đông) đang hoạt động hết công suất, họ sẽ cố gắng để hoàn thành đơn đặt hàng của chính phủ đúng hạn.

Lời nói của ông Slyusar nên được coi trọng, khi VKS liên tục nhận được nhiều chủng loại máy bay chiến đấu tối tân từ UAC. Chỉ một tuần trước, vào ngày 21/11/2022, UAC đã thông báo về việc giao một lô tiêm kích Su-30SM2 và máy bay huấn luyện - tấn công hạng nhẹ Yak-130.

Vài ngày sau, công ty thông báo rằng sau khi giao hàng, dây chuyền sản xuất tiêm kích Su-30S2 lại trở nên bận rộn và dòng máy bay chiến đấu nay đang được đưa vào dây chuyền lắp ráp hàng loạt trở lại.

Trước đó vgày 17/11/2022, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã tiếp các chiến đấu cơ mới. Cụ thể là một lô máy bay ném bom tiền tuyến Su-34M nâng cấp đã rời nhà máy ở Novosibirsk và ngay lập tức được đưa vào biên chế Không quân Nga.

Như vậy chỉ trong vỏn vẹn có 30 ngày, Lực lượng Hàng không Vụ trụ Nga đã được nhà sản xuất chuyển giao ba loại máy bay chiến đấu tối tân khác nhau, giúp VKS gia tăng đáng kể sức mạnh.

Vào giữa tháng trước, Moskva tuyên bố rằng họ đang mở rộng năng lực sản xuất của ngành công nghiệp chế tạo máy bay quân sự. Tin tức chủ yếu liên quan đến việc sản xuất tiêm kích tàng hình Su-57 Felon thuộc thế hệ thứ năm.

Các kỹ thuật sản xuất mới và quy trình tự động hóa đã được thiết kế để tăng tốc độ lắp ráp. Việc xây dựng nhà máy chế tạo mới cũng bắt đầu vào tháng 8/2022 trên một cơ sở thử nghiệm hệ thống điện tử hàng không.

Việc UAC liên tục bàn giao máy bay chiến đấu tối tân cho VKS cũng cho thấy nhận định của phương Tây rằng những lệnh cấm vận sẽ khiến Nga không thể tiếp tục chế tạo vũ khí công nghệ cao là thiếu chính xác.

Không thể phủ nhận Nga gặp khó khăn trong việc nhập khẩu bảng mạch điện tử hay chip xử lý tốc độ cao từ phương Tây, nhưng rất có thể trước khi xung đột nổ ra, Moskva đã tích trữ đủ số lượng cần thiết để tiếp tục sản xuất.

Tuy nhiên vấn đề cần nói tới nữa đó là Nga không chỉ tiếp tục sản xuất những phương tiện tác chiến đã "thành danh" mà họ còn liên tiếp cho ra đời các bản cải tiến, đây là điều khiến Mỹ và NATO cảm thấy khó giải thích.

Những chiến đấu cơ được bổ sung sẽ giúp Không quân Nga bù đắp lượng thiệt hại khá lớn trên chiến trường Ukraine trong thời gian qua, đồng thời giúp họ đảm bảo tốt hơn việc chiếm ưu thế trên không.

Một vấn đề nữa cũng cần nói tới đó là các nhà máy hàng không tại Nga hiện nay có thể dồn toàn lực cho nhu cầu trong nước, bởi họ gần như không còn đơn hàng quốc tế do vướng phải Đạo luật CAATSA của Mỹ.