Không phải Tomahawk, đây mới là vũ khí nguy hiểm nhất liên quân Nga - Syria phải đối đầu

ANTD.VN - Để thực hiện nhiệm vụ chế áp phòng không đối phương nếu quyết định tiến hành chiến dịch oanh kích trên quy mô lớn, vũ khí chủ lực của Mỹ sẽ không phải tên lửa hành trình Tomahawk mà chính là AGM-158 JASSM.

Theo nhận định của các chuyên gia quân sự, nếu thực hiện đòn tấn công với mục đích hủy diệt năng lực quốc phòng của Syria thì đòn oanh kích chỉ bằng tên lửa Tomahawk sẽ khó phát huy tác dụng, Mỹ sẽ huy động máy bay ném bom chiến lược để oanh kích trên quy mô rộng.

Nếu thực hiện nhiệm vụ này, chắc chắc Mỹ sẽ điều động máy bay ném bom chiến lược B-1 và B-2, và vũ khí chủ lực mà chúng sử dụng sẽ là đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm tôi tân nhất AGM-158 JASSM.

AGM-158 JASSM là sự nâng cấp từ AGM-154 JSOW, chính thức được đưa vào biên chế Quân đội Mỹ từ giữa thập niên 1990, đây thực chất là một loại tên lửa hành trình tàng hình được trang bị động cơ phản lực với tầm bắn siêu xa, đủ sức qua mặt mọi hệ thống phòng không tiên tiến nhất.

AGM-158 JASSM được trang bị động cơ phản lực Teledyne CAE J402 cho phép hoạt động trên một khu vực rộng lớn trong thời gian lâu hơn.

Thân tên lửa được thiết kế với khả năng tàng hình cùng các biện pháp che chắn hồng ngoại khiến nó khó bị phát hiện từ xa bởi các hệ thống radar cảnh giới.

AGM-158 được trang bị hệ thống điều hướng rất tinh vi kết hợp giữa dẫn hướng quán tính INS cập nhật từ hệ thống định vị toàn cầu GPS đi kèm bộ cảm biến hồng ngoại cho việc tìm kiếm và khóa mục tiêu ở giai đoạn cuối.

Tên lửa còn được trang bị một bộ liên kết dữ liệu cập nhật trạng thái hoạt động trong suốt hành trình bay để thay đổi mục tiêu trong thời khắc cuối nếu cần thiết.

Những cải tiến quan trọng về động cơ và hình dáng khí động học khiến cho AGM-158 JASSM có tầm bắn tới 370 km và lên đến 1.000 km với biến thể JASSM-ER.

AGM-158 JASSM hoạt động với vai trò như một tên lửa hành trình tấn công mặt đất phóng từ trên không chứ không còn là một loại bom lượn tinh khôn như AGM-154.

Tầm bắn của AGM-158 đã vượt ra ngoài tầm với của hầu hết các hệ thống phòng không hiện đại nhất hiện nay.

Khả năng tàng hình cùng động cơ phản lực thế hệ mới êm hơn, có thể hoạt động tại độ cao thấp dưới tầm của các radar cảnh giới cho phép tên lửa bất ngờ tung đòn tấn công khiến đối phương không kịp trở tay.

Ngoài trang bị cho B-2 Spirit, AGM-158 JASSM-ER đã trở thành vũ khí chủ lực cho chương trình nâng cấp máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer của Mỹ. 

Sự kết hợp giữa B-1B Lancer, B-2 Spirit với JASSM-ER cho phép Mỹ thực hiện những cuộc tấn công mà đối phương “chỉ còn biết đứng nhìn”.

Khi Mỹ sử dụng các loại đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm thì đối phương hầu như không có khả năng đáp trả bởi máy bay vẫn ở ngoài tầm với của hệ thống phòng không. Nếu không thể vô hiệu hóa các đợt tấn công đầu tiên này thì rất khó duy trì được sức mạnh chiến đấu.

Đến đợt tấn công tiếp theo của đối phương, sẽ càng khó khăn hơn trong việc duy trì khả năng chiến đấu nếu không muốn nói là rất dễ bị đánh bại.

Nhìn lại các cuộc xung đột quân sự gần đây do Mỹ dẫn đầu cho thấy họ đều thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng bằng vũ khí dẫn đường công nghệ cao trong đó có đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm, lần này Syria cũng khó có ngoại lệ.

Trong các phi vụ SEAD thì đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm là một công cụ cực kỳ hiệu quả, đủ đảm bảo an toàn cho quân nhà trong khi đối phương gần như không thể phát hiện.

Đặc biệt hơn, với phương tiện mang vác vũ khí là máy bay ném bom chiến lược, chúng sau khi ném bom sẽ trở về căn cứ trên đất Mỹ, khiến Moskva dù muốn đánh trả "ngay tại căn cứ" (nếu đạn AGM-158 gây thương vong cho lính Nga) cũng đành bó tay.

Viễn cảnh Nga mở cuộc tấn công thẳng vào đất Mỹ để tiêu diệt máy bay ném bom chiến lược chắc chắn chẳng bao giờ xảy ra, vì sẽ gây ra chiến tranh tổng lực, trong khi bắn hạ nó lúc đang hoạt động thì S-400 có tăng tầm bắn gấp đôi cũng chẳng với tới.

Bởi vậy, không khó hiểu khi các chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng bộ đôi máy bay ném bom chiến lược B-1, B-2 trang bị đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 mới là thứ vũ khí gây nguy hiểm nhiều nhất cho liên quân Nga - Syria chứ không phải tên lửa hành trình Tomahawk.