Không nương tay với hành vi vi phạm về hàng giả trên thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Phạm Đức Thắng, Giám đốc Công ty Luật Thắng Phạm và cộng sự (đại diện nhãn hiệu Hermes) cho rằng, mức xử lý hành chính chỉ là một phần rất nhỏ so với lợi nhuận từ kinh doanh hàng giả, cần phải có biện pháp nặng tay hơn, đặc biệt là các vụ án hình sự và không nương tay với các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Lực lượng chức năng phát hiện cơ sở sản xuất đế giày giả mạo nhãn hiệu Nike

Lực lượng chức năng phát hiện cơ sở sản xuất đế giày giả mạo nhãn hiệu Nike

Ông Đỗ Hồng Trung- Phó Chánh văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, qua các vụ việc do các lực lượng chức năng kiểm tra trong thời gian gần đây có dấu hiệu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) sản xuất trong nước tăng dần cả về quy mô và số vụ việc với diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được sản xuất quy mô lớn có dấu hiệu tăng dần, việc mua bán công khai, lộ liễu, gần như thách thức đối với các cơ quan chức năng.

Nếu như trước đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT chỉ xuất hiện đối với một số nhóm sản phẩm xa xỉ có giá trị cao như: Thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm thì hiện nay, tất cả các sản phẩm hàng hoá đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền SHTT do các đối tượng có chủ đích nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, nguồn hàng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được xác định bởi hàng hoá nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.

Trên thị trường, các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT xuất hiện ở hầu hết các nhóm, ngành hàng tiêu dùng lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, đông dược, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, đồ điện tử, điện dân dụng, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, thực phẩm chức năng…; hàng thời trang như: Túi xách, nước hoa, đồ trang sức; vật liệu xây dựng như: ngành nhựa, ngành sơn…

Theo ông Đỗ Hồng Trung, qua khảo sát trên các trang mạng xã, người dùng dễ dàng gặp các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng như: Adidas, Gucci, LV, Hermes, Chanel, Boss…

Đáng chú ý, phần lớn trong số này là những loại hàng hóa làm giả thương hiệu, hàng xâm phạm quyền SHTT. Cá biệt còn có cả hàng cấm kinh doanh, khách hàng chỉ cần đặt số lượng và báo địa chỉ là hàng sẽ được chuyển tới tận nơi.

Trên Facebook, Zalo, các nhóm mua bán có hàng chục nghìn thành viên thường giới thiệu các nhà cung cấp hàng giả, hàng xâm phạm SHTT với các tên gọi như: hàng xuất dư, hàng Supe Fake, hàng 1:1, hàng Like Auth, nhằm mô tả sản phẩm có chất lượng tương đương hàng chính hãng.

Tuy nhiên, cũng có thể hiểu đây là những sản phẩm giả mạo về thương hiệu, chất lượng, không phải là hàng chính hãng.

Ở góc độ nhãn hiệu, ông Phạm Đức Thắng, Giám đốc Công ty Luật Thắng Phạm và cộng sự (đại diện nhãn hiệu Hermes) khẳng định, Hermes không bán hàng qua các sàn TMĐT.

Tuy vậy, trung bình mỗi năm, Hermes phối hợp với các lực lượng Hải quan, QLTT, Công an xử lý khoảng 900 vụ vi phạm. Mới đây nhất, Hermes nhận được bồi thường từ một vụ án hình sự do Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xử lý.

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2023, các bộ, ngành, các lực lượng chức năng và địa phương là 146.678 vụ vi phạm, trong đó 11.499 mua bán, vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,37% so với cùng kỳ); 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51% so với cùng kỳ).

Chỉ tính riêng vi phạm về sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT là 5.464 vụ việc tăng 48% so với cùng kỳ, đây là một con số đáng báo động về vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.

Về giải pháp xử lý vấn đề này, ông Phạm Đức Thắng cho rằng, việc xử lý hành chính chỉ là một lượng rất nhỏ so với lợi nhuận từ kinh doanh hàng giả, cần phải có biện pháp nặng tay hơn, đặc biệt là các vụ án hình sự và không nương tay với các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Bên cạnh đó, cần có quy định rõ ràng đối với loại hình kinh doanh TMĐT, ràng buộc trách nhiệm giữa người bán hàng và người mua hàng.

Ông Phan Minh Nhật- Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) nêu quan điểm, cần thiết lập bộ lọc, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, điều tra xử lý các đối tượng vi phạm trọng điểm. Đặc biệt, giải pháp căn cơ nhất là định danh người bán qua TMĐT.

Theo ông Phan Minh Nhật, hiện một số quốc gia đã áp dụng việc định danh người bán qua TMĐT do rất khó phát hiện người bán là ai, ở đâu…

Ví dụ như, một người sử dụng số định danh cá nhân đăng ký tài khoản trên các sàn TMĐT, nếu như họ có hành vi buôn bán hàng giả thì lập tức bị khóa sàn giao dịch và không thực hiện hành vi vi phạm. Do đó, cần phải định danh rõ người bán trên TMĐT, mạng xã hội.

Nếu người bán vi phạm sẽ bị khoá tài khoản, cơ quan thuế cũng dễ dàng thu thuế. Cùng với đó, để kiểm soát, quản lý thì “cần có sự phối hợp giữa chủ thể quyền, các cơ quan thực thi, các sàn TMĐT để đánh giá quy mô, nguồn hàng, kho hàng, địa điểm sản xuất… hàng giả, hàng xâm phạm SHTT để tập trung xử lý", ông Phan Văn Nhật cho hay.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Hồng Trung cũng cho rằng, yêu cầu định danh người bán là cần thiết và nên thực hiện sớm.

Theo ông Đỗ Hồng Trung, việc định danh trên cơ sở số điện thoại của người bán hàng trên sàn TMĐT là cần thiết, bởi hiện nay vẫn còn tình trạng sử dụng tài khoản ảo, số điện thoại ảo, số tài khoản ngân hàng ảo…

Do đó, việc điều tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.