Không để sót lọt tin báo tố giác tội phạm

ANTĐ - Chiều 22-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về 2 Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Bắt buộc mua bảo hiểm y tế

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, phần lớn các biểu nhất trí quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc, tuy nhiên nhiều nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi khi chất lượng khám chữa bệnh còn có sự chênh lệch đáng kể. ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) hoàn tàn tán thành quy định BHYT là bắt buộc. Do hiện luật không có quy định bắt buộc người dân tham gia BHYT nên mới có tình trạng lựa chọn ngược. Hiện nhiều người có thu nhập cao, kinh tế ổn định nhưng không tham bảo hiểm y tế, chỉ có người mắc bệnh hiểm nghèo, không có khả năng chi trả mới tham gia, dẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ.

Theo ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), để luật đi vào cuộc sống, ngoài việc tuyên truyền cho người dân nên quy định những chế tài xử lý thích đáng đối với những đối tượng không thực hiện. Song, điều quan trọng là ngành y tế cần triển khai các biện pháp hiệu quả hơn nữa để nâng cao y đức cũng như chất lượng khám chữa bệnh, xử lý nghiêm những hành vi thiếu y đức trong ngành.

Dù vậy, nhiều ĐB tỏ ra khá băn khoăn về tính khả thi của quy định này. Bởi, thực tế hiện nay cho thấy chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế chưa đồng đều về chuyên môn, kỹ thuật nên mới có việc việc người dân đi khám vượt tuyến, gây ra tình trạng quá tải. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi bắt buộc người dân phải mua BHYT thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm khắc phục sớm chất lượng khám chữa bệnh, quá tải tại các bệnh viện.

ĐBQH, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội góp ý vào dự thảo Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi)

          Nên thi tuyển chức danh tư pháp

Chiều 22-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về 2 Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho biết, sửa luật để đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn nhưng đọc dự thảo thì chưa đáp ứng được yêu cầu này. ĐB Đinh Xuân Thảo cũng băn khoăn với quy định về tuổi nghỉ hưu của kiểm sát viên và việc tranh tụng tại tòa. “Quy định về tranh tụng phải rõ ràng hơn, đảm bảo bình đẳng giữa các bên tham gia tố tụng” – ĐB Đinh Xuân Thảo nói.

Góp ý vào dự án Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi), ĐBQH, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, quy định về trách nhiệm thống kê hình sự và tội phạm của VKSND tại dự thảo là không thực tế. Nếu có giao nhiệm vụ này thì VKSND cũng sẽ không làm bởi sẽ trái với Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự (quy định về việc tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm).

Theo quy định, cơ cấu, tổ chức của VKSND cũng là nơi tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm nhưng sau đó, sẽ chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Hiện nay, để giải quyết  tin báo tố giác tội phạm, cơ quan công an đã có hệ thống tổ chức từ các phường xã. Ngoài xử lý tin tố giác, ngành công an còn có hệ thống kèm theo thực hiện công tác phòng, chống tội phạm. Vì vậy, việc tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm nên giao cho cơ quan công an, nơi hiện nay đang đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Thêm nữa, giả sử điều luật này được thông qua cũng sẽ khó khả thi bởi cơ quan VKSND sẽ không có đủ người để làm việc này.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nói: “Tôi ủng hộ quan điểm VKSND nên giữ chức năng giám sát, kiểm sát việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm của cơ quan công an và các cơ quan khác. Như vậy, sẽ hợp lý hơn. Trước đây, Hà Nội là đơn vị đầu tiên trên cả nước thí điểm để VKSND TP Hà Nội kiểm sát việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm của Phòng Cảnh sát Hình sự và lực lượng cảnh sát hình sự CATP Hà Nội. Chúng tôi thấy, khi VKSND làm tốt việc này, sẽ đảm bảo tiếp nhận và giải quyết kịp thời tin báo của nhân dân, tránh sót lọt. Việc này cũng đảm bảo thực hiện đúng quy định về quy trình giải quyết tin báo tố giác tội phạm theo luật định cũng như không để xảy ra khiếu kiện kéo dài”.

Cho ý kiến các 2 dự án này, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho biết, xu hướng chung trên thế giới là phải thi tuyển các chức danh tư pháp. “Chúng ta nên quy định việc này. Tuy nhiên, điều băn khoăn là thi tuyển chỉ biết được năng lực thôi chứ khó nắm được phẩm chất đạo đức”.