Không để đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm khi giãn cách xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần nắm chắc nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước, đảm bảo nguồn cung kịp thời, chủ động cho người dân.
Tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thiết yếu để đảm bảo cuộc sống người dân

Tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thiết yếu để đảm bảo cuộc sống người dân

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý II/2021 ngày 13/8/2021.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương cập nhật thông tin, diễn biến thị trường và nắm sát nguồn cung các sản phẩm lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung trong nước, kịp thời và chủ động phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng các kịch bản tiêu thụ;

Đề xuất hỗ trợ các cơ chế đặc biệt trong lưu thông, phân luồng tiêu thụ nông sản, kết nối thông tin giữa các đơn vị cung ứng và các đơn vị thu mua, phân phối, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản có thế mạnh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng do thực hiện giãn cách xã hội giữa nhiều tỉnh thành phố.

Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến thị trường, trường hợp có phát sinh ảnh hưởng, tác động lớn phải kịp thời có phương án, giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động lưu thông hàng hóa đảm bảo thông suốt và tuân thủ theo đúng các quy định về kiểm soát dịch bệnh.

Nêu phản ánh của doanh nghiệp tại Hội nghị trực tuyến về thuận lợi cho vận chuyển nông sản Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp do Bộ GTVT tổ chức chiều ngày 25-8, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhà bán lẻ MM Mega Market gặp nhiều khó khăn trong lưu thông vận chuyển hàng hóa ở TP Cần Thơ.

Theo yêu cầu, MM Mega Market đã cung cấp tất cả thông tin về xe, hàng hóa và tài xế/phụ lái trước 1 ngày vào 13h00 hàng ngày cho Sở Công Thương của TP Cần Thơ và sau đó có đóng dấu xác nhận của Sở Công Thương trên các danh sách phương tiện đã đăng ký. Ngày 24/8, các xe của MM Mega Market phải đợi từ sáng đến tối nhưng vẫn chưa được vào thành phố.

Nguyên nhân là do cách hiểu khác nhau về văn bản hướng dẫn của địa phương liên quan đến hàng hóa thiết yếu hay không thiết yếu nên chốt kiểm soát đã không đồng ý cho xe vào và yêu cầu quay đầu.

Đáng chú ý, UBND TP Cần Thơ còn yêu cầu “tất cả các phương tiện đến TP giao nhận hàng hóa đều phải tập trung giao nhận tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa do TP quy định”. Quy định này không phù hợp với nhiều trường hợp vì hàng hóa của các hệ thống phân phối là hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm cần được bảo quản nhiệt độ mát hoặc đông lạnh thì không thể chuyển tải tại các điểm tập kết quy định của TP, nguy cơ hư hỏng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, hàng hóa được đai vào các pallet nên khối lượng rất nặng, từ 1 - 1,5 tấn/pallet (không phải hàng rời) nên không thể bốc tách dễ dàng cho việc chuyển tải qua xe khác nếu không có các dụng cụ/thiết bị chuyên dụng thích hợp như: xe nâng, xe nâng tay, dụng cụ ràng/đai pallet…

Tương tự, một số địa phương khác như: Kon Tum, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang... không cho xe tải vào mà yêu cầu phải sang xe, đổi tài xế mới cho vào tỉnh. Phú Quốc (Kiên Giang) thì yêu cầu tài xế giao hàng phải ở lại đảo 30 ngày.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, tại tỉnh lộ, quốc lộ, việc vận chuyển lưu thông hàng tương đối tốt nhưng huyện lộ xã lộ lại rất khó khăn. Như trường hợp của Công ty Ba Huân, lái xe vào Cần Thơ để vận chuyển bao bì về đóng gói trứng, nhưng chờ đến 2 ngày nay vẫn chưa vào được nên không thể có bao bì đóng gói sản phẩm.

Một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Cần Thơ yêu cầu nếu muốn lưu thông, ngoài điều kiện quy định thì phải có xác nhận của Sở GTVT, việc này làm hoạt động vận chuyển bị gián đoạn, bế tắc.

Trước thực trạng này, Bộ GTVT đã có chỉ đạo các địa phương phải thống nhất tất cả các hàng hóa hiện nay đều là hàng hóa thiết yếu (trừ hàng cấm) bởi không có sản xuất thì sắp tới khó khăn sẽ rất lớn.

“Các địa phương cần rà soát lại toàn bộ văn bản của địa phương mình để không trái với các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành”- Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.