"Khơi nguồn sáng tạo Hà Nội" từ cơ chế, chính sách thông thoáng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 25/12, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm “Khơi nguồn sáng tạo Hà Nội 2021”. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi sự kiện Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo Hà Nội, với mong muốn trao đổi, thu thập ý kiến về tiềm năng, lợi thế của Hà Nội khi phát triển sáng tạo đồng thời thúc đẩy, hình thành các ý tưởng sáng tạo – khai thác các không gian sáng tạo của Thủ đô.

Toạ đàm có sự tham gia của đại diện Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội, Ban quản lý Phố cổ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.

Tại toạ đàm, các chuyên gia về hoạt động sáng tạo, các nhà quản lý đã thảo luận nhiều vấn đề để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, kinh tế sáng tạo trên địa bàn thành phố. Trong đó, nhiều chuyên gia cho rằng, với đặc điểm là thành phố có lịch sử nghìn năm, sở hữu hơn 20 Di tích Quốc gia Đặc biệt, 1.163 Di tích Quốc gia, 1.441 di tích xếp hạng cấp Thành phố... Hà Nội nên tập trung vào thúc đẩy các hoạt động sáng tạo trên nền văn hoá truyền thống.

Bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hoá, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội

Bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hoá, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội

Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hoá, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, sau khi Hà Nội tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố đã cụ thể hoá bằng các nội dung, chương trình cụ thể của Thành uỷ và tiếp đó là kế hoạch của UBND TP Hà Nội.

Trong 10 chương trình công tác của Thành uỷ nhiệm kỳ 2020 – 2025, Hà Nội có 2 chương trình nhấn mạnh đến việc triển khai các nội dung khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo. Đó là Chương trình 06 CTr/TU ngày 17/3/2021 về phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình 07 CTr/TU về đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP giai đoạn 2021 – 2025", bà Lan Anh chia sẻ tại tọa đàm.

Cùng với đó, Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các TP sáng tạo; ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025 tầm nhìn đến 2045; tiếp tục hoàn thiện nội dung để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô (bổ sung 1 điều về chính sách văn hoá).

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá, nguồn lực di sản, con người là tiềm lực to lớn để Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á. Hà Nội đi đầu trong xây dựng Thành phố sáng tạo sẽ truyền cảm hứng cho các thành phố khác của Việt Nam trong việc lấy nguồn lực văn hóa để phát triển bền vững.

Chùa Trấn Quốc, Hà Nội

Chùa Trấn Quốc, Hà Nội

“Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng và sự phát triển của Hà Nội. Nhiều câu hỏi đặt ra với UNESCO như sao không đặt vấn đề sáng tạo với các thành phố năng động của Việt Nam như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Nhưng khi đặt câu hỏi, chúng ta chỉ nhìn vào công cụ, hạ tầng mà không nhìn vào nguồn vốn văn hoá giàu có. Nếu Hà Nội đi đầu sẽ truyền cảm hứng cho các thành phố khác, trở thành đô thị thực sự đáng sống, tạo tầm nhìn thực sự bền vững”, bà Hường nói.

Bên cạnh việc đánh giá cao tiềm năng con người và nguồn lực di sản, các chuyên gia đề xuất, thành phố cần tạo ra môi trường thông qua cơ chế chính sách phù hợp để hoạt động sáng tạo được phát triển.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia cũng trao đổi về việc làm thế nào để hình thành các cộng đồng sáng tạo, tìm ý tưởng khai thác không gian sáng tạo Hà Nội, những cơ hội, thách thức được đặt ra cũng như giải pháp thực hiện...

Chiều ngày 25/12, trong khuôn khổ Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo năm 2021 đã diễn ra buổi tọa đàm thứ 2 "Di sản đô thị-Duy trì và phát triển tiếp nối". Chương trình xoay quanh chủ đề quảng bá và giữ gìn di sản sao cho phù hợp với cuộc sống đương đại, đồng thời giữ vững các giá trị bản sắc văn hoá của thành phố đã nghìn năm tuổi. Qua đó đã mang lại cho nhiều người những cái nhìn mới mẻ từ các chuyên gia trong lĩnh vực di sản và quản lý.