Khó có cơn “sốt nóng“

ANTĐ - Hiện nay, các ngân hàng đang tung ra các gói cho vay lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhằm vào nhu cầu vay mua nhà đất, xây dựng nhà mới. Mặc dù thị trường bất động sản có dấu hiệu "ấm" lên khi lượng giao dịch tăng và nguồn cung ra thị trường nhiều hơn trước, song, điều này chỉ diễn ra ở một vài khu vực và các giao dịch vừa qua chủ yếu của những người mua để ở. Mối lo ngại thị trường sẽ phát triển "nóng", thiếu bền vững, là không có cơ sở. Vì sao?

Người mua nhà để ở vẫn chiếm phần lớn giao dịch trên thị trường, nhưng đã có sự trở lại của nhà đầu tư trong những tháng đầu năm 2015. Thị trường đang kích thích những khách hàng đầu tư có tiền ngồi chờ nhiều năm nay, khiến họ cảm thấy đang “ấm” lên. Thực tế, lượng giao dịch khi nguồn cung gia tăng, khách hàng có nhiều lựa chọn và tính toán khôn ngoan hơn. Giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản khẳng định, thị trường hiện nay tốt để mua nhà ở, song khách hàng phải lựa chọn chủ đầu tư uy tín và dự án tốt. Khả năng tạo “cơn sốt” bất động sản sẽ không dễ xảy ra vì nguồn cung ngày càng nhiều.

Thực ra, các ngân hàng nhắm đến các đối tượng có nhu cầu nhà ở thật sự, chứ không khuyến khích đối tượng đầu cơ. Ngay cả giới đầu cơ cũng không dám mạo hiểm vay vì nhiều dự án còn “đắp chiếu” thì lấy đâu ra tiền. Trước kia thị trường “sốt nóng”, sản phẩm ít, giới đầu cơ có thể mua đi bán lại kiếm lời. Hiện nay, hàng dồi dào, khách hàng mua trực tiếp của chủ đầu tư, chứ ít người mua đi bán lại. Giám đốc một số ngân hàng cổ phần lớn cũng nhấn mạnh, dư nợ bất động sản mỗi tháng tăng vài chục tỷ đồng, chủ yếu là nhu cầu vay mua đất, xây, sửa nhà. Lãi suất huy động thấp nên nhiều người có tiền tích lũy gửi tiết kiệm, giờ lấy ra để mua nhà đất. Sau cú sốc thị trường trước đây, hiện các ngân hàng chỉ hợp tác với các công ty bất động sản mà ngân hàng nắm được khả năng tài chính, uy tín thương mại để cho người mua nhà vay. Cách làm phổ biến của ngân hàng là khép kín, tức là cho vay dự án, sau đó cho vay luôn người mua.

So với trước, việc xét duyệt cho vay chặt chẽ hơn, không cho vay tràn lan dẫn đến nợ xấu bất động sản đến nay chưa xử lý được. Vì vậy, khó có “sốt nóng” trên thị trường khi mà các ngân hàng đều đọng không ít vốn trong các dự án. Không đời nào lại ồ ạt đổ vốn vào để nhận lấy bài học cũ, dù tốn lắm công sức, thời gian mà chưa giải quyết xong.