Kho báu lộ thiên tại Long An

ANTĐ - Đã hơn 30 năm kể từ ngày “cơn sốt vàng” trôi qua nhưng với những người dân tại xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, những câu chuyện đặc biệt ở vùng đất này vẫn còn in sâu trong tâm trí họ.

ông Đặng Việt Anh kể lại câu chuyện về “cánh đồng vàng”

Kho báu lộ thiên trên gò đất hoang

Quay lại xã Vĩnh Đại ngày nay khó ai có thể hình dung đây từng là một đại công trường tìm kiếm vàng của những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Trên mảnh đất phía Tây Nam của tỉnh Long An này nay đã là những cánh đồng lúa rợp cánh cò bay. Những dấu tích về “cánh đồng vàng” năm xưa không còn nữa nhưng câu chuyện về nó vẫn còn y nguyên trong tâm trí của người dân sống ở xứ miệt vườn này. 

Vào năm 1985, mảnh đất gần biên giới Campuchia này là vùng kinh tế mới của huyện Vĩnh Hưng (này thuộc huyện Tân Hưng), vẫn còn hoang hóa, dân cư thưa thớt, cuộc sống nhiều khó khăn. Thế rồi, “cơn sốt vàng” tràn qua đã làm thay đổi tất cả. Từ một vùng đất vốn yên bình, Vĩnh Đại chẳng khác nào một công trường rộng lớn với sự có mặt của cả nghìn người tại khu vực gò đất hoang Gò Hàng.

Người dân nơi đây kể lại, “cơn sốt vàng” xảy ra nơi đây bắt nguồn từ câu chuyện thần vàng báo mộng của một lão nông. Theo đó, vào năm 1985, một lão nông tên Út Mười làm nghề cày ruộng thuê ở khu vực kênh Bắc Giang cách Vĩnh Đại gần 10km, trong một lần đi cày thuê đã không may để lạc mất trâu.

Thuở đó, con trâu là cả một gia tài lớn đối với người nông dân. Phát hiện mất trâu, ông Út Mười cùng người thân trong gia đình đi tìm kiếm ở khắp nơi. Không biết trời đất xui đẩy làm sao, đưa người đàn ông này tới vùng đất Gò Hàng thuộc xã Vĩnh Đại. Nghe đâu, khi tới khu vực Gò Hàng cũng đã vào quá trưa, cha con ông Út Mười liền ngồi dưới gốc cây Cà Dăm (một loại cây hoang ở vùng đất này) để nghỉ ngơi.

Dưới bóng cây lớn, cha con ông Út Mười chợt mắt, bỗng nhiên người đàn ông này choàng dậy. Thấy cha giật mình tỉnh dậy, người con trai liền hỏi chuyện thì ông Út Mười cho biết, trong giấc mơ ông được thần vàng báo mộng đang ngồi trên đống vàng. Nghe câu chuyện có phần hoang đường của cha nhưng cậu con trai vẫn quyết định bới chỗ đất mình đang ngồi. Và rồi cả hai cha con ông Út Mười đã ôm lấy nhau mà khóc trong vui sướng khi họ tìm thấy cả một cái vương niệm bằng vàng, một bàn cờ tướng và nhiều đồ vật bằng vàng nữa.

Liền sau đó, cha con ông Út Mười cởi áo gói số vàng nhặt được ra về, bỏ cả chuyện tìm trâu. “Sau lần đi tìm trâu đó, cha con ông Út Mười còn quay lại vùng đất Gò Hàng nhiều lần nữa nhưng người trong làng cũng chẳng để ý họ làm gì. Mãi về sau, khi “cơn sốt vàng” diễn ra ở nơi đây, câu chuyện về thần vàng báo mộng mới được người dân biết tới. Nhưng mọi người ở đây không còn nhìn thấy cha con ông Út Mười quay lại nữa” một lão nông tại Vĩnh Đại cho biết.

Câu chuyện kho vàng lộ thiên ở vùng đất Gò Hàng tưởng như đã chìm vào quên lãng theo sự “mất tích” bí ẩn của cha con ông Út Mười, thì bỗng nhiên vào khoảng 1 tháng sau, trong lúc đi hái rau muống mọc hoang trên vùng đất Gò Hàng, hai cô gái trẻ ở địa phương đã may mắn nhặt được một mảnh kim loại màu vàng. Không biết là vàng thật hay giả, hai cô gái liền bẻ đôi chia nhau và mang ra chợ bán mới biết đó là vàng thật. Từ đó, câu chuyện về kho vàng ở vùng đất Vĩnh Đại cứ thế mỗi lúc một bay xa, khơi dậy lòng tham của cả nghìn người tứ xứ khắp nơi kéo về cày xéo hàng nghìn mét vuông tại mảnh đất Gò Hàng này.

Khóc cười trong “cơn sốt vàng”

Hồi đó, đã có rất nhiều người may mắn được thần vàng phù hộ nhặt được những mảnh kim loại óng ánh màu vàng. Tuy không thể đổi đời trở thành đại gia nhưng phần lớn trong số họ nhờ vào chút lộc trời có được ở khu vực Gò Hàng đã thoát được cái cảnh nghèo khó, có của ăn của để. Những người dân nơi đây vẫn còn nhớ, sau phát hiện có vàng tại khu vực Gò Hàng, thông tin về kho báu lộ thiên tại đây nhanh chóng lan rộng đi khắp nơi.

Mảnh đất yên bình Vĩnh Đại bỗng chốc trở thành một đại công trường tìm vàng với sự có mặt của cả nghìn phu vàng. “Những ngày đầu mọi người đi nhặt vàng trên mặt đất, sau dần mặt đất hết thì lại đào sâu xuống để tìm vàng. Vào mùa khô thì dựng lều trại đào đất rồi bẻ ra để tìm vàng. Còn vào mùa nước nổi thì người ta lại dùng ghe để ở và lặn sâu xuống lấy đất ném lên ghe cho người ở trên đãi đất tìm vàng.” - ông Thái Văn Quý (trú tại xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, Long An) nhớ lại cho biết.

Cũng theo lời ông Quý, những người tìm vàng nơi đây phần lớn đều tìm thấy vàng và phần nào thay đổi được cuộc đời. “Ngày đó, ai cũng kiếm được vàng, nhưng chỉ là người được ít người được nhiều. Bản thân tôi cũng tìm được hơn 4 chỉ vàng, tôi cũng chỉ mua được cái mảnh đất làm nhà hiện tại, số tiền còn lại ăn tiêu rồi cũng hết.” - ông Quý nhớ lại.

Nhưng ngoài những nụ cười nơi cánh đồng vàng, chúng tôi còn được người dân nơi đây kể cho nghe không ít câu chuyện về những giọt nước mắt nghẹn ngào của phu vàng ở thời điểm ấy. Nhiều chủ vàng đã bỏ cả gia sản thuê nhân công về khu vực Gò Hàng để tìm vàng vào thời điểm ấy. Nhưng vì không được thần vàng phù hộ nên suốt gần 2 năm tìm kiếm họ đã tán gia bại sản. 

Không chỉ có những người tìm vàng, những cư dân sống tại khu vực gần Gò Hàng cũng “khóc ra nước mắt” khi phải chứng kiến thành quả lao động của mình đổ xuống sống, xuống biển. Chuyện là trong lúc cơn sốt vàng quét qua mảnh đất này, những phu vàng đã đào bới cả những gò cây, ruộng lúa của cư dân nơi đây.

Đến khi cơn sốt vàng trôi qua, những gò cây, ruộng lúa quanh khu Gò Hàng vì thế cũng bị biến thành bãi chiến trường. Nhiều gia đình sau đó phải bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức để san lấp, khai phá lại một lần nữa. Về sau, gò đất không còn nữa mà thay vào đó là một cánh đồng lúa tươi tốt, tên gọi Gò Hàng cũng dần biến mất, vùng đất này được người dân gọi là cánh đồng vàng.

Trao đổi với phóng viên về câu chuyện liên quan tới cánh đồng vàng, ông Đặng Việt Anh (48 tuổi, trưởng ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Đại) cho biết câu chuyện về cánh đồng vàng xảy ra hơn 30 năm trước là có thật tại vùng đất này. Ngày đó có cả nghìn người cả già trẻ, gái trai tìm tới khu vực Gò Hàng của xã Vĩnh Đại này để tìm kiếm vận may,  phần lớn mọi người đều nhặt được vàng, bản thân ông Việt Anh cũng nhặt được mấy chỉ. “Sau cơn sốt vàng vào 2 năm 1985, 1986, vùng đất Vĩnh Đại này lại trở lại yên bình như xưa. Đã nhiều năm qua người dân nơi đây không còn nhặt được mảnh vàng nào trên khu vực đất Gò Hàng xưa nữa”, ông Việt Anh cho biết thêm.