Đây không phải lần đầu tiên, những vụ ồn ào liên quan đến việc quan chức đi học bị phát hiện. Còn nhớ cách đây vài năm một đồng chí lãnh đạo Đoàn cũng đã bị lập biên bản về hành vi quay cóp trong kỳ thi tại Học viện Hành chính. Hay như chuyện một ông Phó bí thư tỉnh ủy đã được cấp bằng tiến sỹ chỉ sau... 6 tháng lên giảng đường. Không ít cán bộ là kỹ sư chăn nuôi thú y, lại theo học cao học Quản lý giáo dục. Và mỗi khi nhắc đến chuyện quan chức lên giảng đường, người ta vẫn không quên nhắc đến giai thoại vui về một vị lãnh đạo đi thi tiếng Anh để kiếm các bằng tiến sỹ. Sau khi thi xong thấy lãnh đạo phấn khởi nên nhân viên mạnh dạn hỏi thăm “sếp” làm bài thế nào. Vị lãnh đạo đó liền trả lời: câu nào anh cũng đánh dấu hết. Có mấy câu hỏi thằng bên cạnh nó bảo chọn đáp án xi (c), anh thấy chỉ có a bê xê chứ làm gì có xi với xô thế nên anh chọn xê (c) chả biết đúng hay sai.
Trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc về vấn đề nhiều người khi đã làm lãnh đạo thì mới bắt đầu đi học để có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ nhưng thực chất không mấy có ích với công việc họ đang làm, ông cho rằng, thực ra làm lãnh đạo mà vẫn nghĩ đến chuyện đi học thêm, lấy thêm bằng cấp là rất đáng quý. Vấn đề là cái học ấy có giúp gì cho công việc của mình một cách thiết thực và có hiệu quả hay không? Và cũng phải xem chính sách của Nhà nước, đôi khi buộc họ phải có bằng cấp (chứ không phải là năng lực tương đương với bằng cấp ấy). Cái cần phải nói ở đây là chất lượng của bằng cấp chứ không phải tự thân bằng cấp. Bằng cấp đặt ra để chuẩn hóa, cũng là so sánh trình độ, nhất là trong khoa học, nhưng chỉ không nên tuyệt đối hóa nó khiến cho mọi người đều coi đó là con đường duy nhất, sống chết cũng phải làm. Ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng, bằng cấp phải tùy thuộc vào mỗi lĩnh vực. Ví như trong môi trường giáo dục thì việc có học hàm học vị để phân minh trên dưới, ai dạy ai là cần thiết. Nhưng lấy bằng cấp là thước đo năng lực quản lý là tương đối (chỉ trừ bằng cấp liên quan đến lĩnh vực trực tiếp của khoa học quản lý). Chúng ta đã nói đến nhiều trường hợp lãng phí khi đề bạt làm thui chột các nhà khoa học giỏi để rồi làm nẩy nòi những nhà quản lý kém, lãng phí mọi bề.
Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là không phải vì tồn tại của tại chức, dân lập mà nạn chạy bằng cấp mới có “cửa”, bởi không chạy bằng tại chức, dân lập thì họ sẽ chạy hẳn bằng chính quy, thạc sĩ, cao học... Như một luật bất thành văn, muốn lên lãnh đạo thì phải có vài tấm bằng giắt lưng ít nhất là để thể hiện trình độ với cấp dưới, thứ nữa là để đáp ứng đầy đủ các điều kiện phải có của thủ tục lên làm lãnh đạo và được coi là “giấy thông hành” để lên chức.
Bà Phan Kim Phương, giảng viên khoa Luật Nhà nước, Học viện Hành chính Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Việc ngấm ngầm chạy đua để lấy bằng cấp cao, và những gì đã xảy ra cho thấy rõ ràng bằng cấp được coi là “giấy thông hành” trong việc đề bạt một số vị trí lãnh đạo chủ yếu chủ yếu diễn ra trong môi trường Nhà nước, tuyển công chức hiện nay. Còn với các doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức quốc tế và cả một số doanh nghiệp tư nhân họ đâu tuyệt đối hóa bằng cấp, họ có những cách đánh giá khác, họ có hệ thống giá trị riêng. Từng bước phải chuyển sửa hệ thống giá trị này trong khu vực Nhà nước thì mới mong khắc phục được chuyện chạy bằng, chạy cấp, học giả, kiến thức giả. Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta quá coi trọng bằng cấp khi sử dụng con người. Để không còn những quan chức dù không biết gì về lĩnh vực mình theo học mà vẫn phải cắp cặp đi học để mang về những tấm bằng vô giá trị, những tấm bằng… rỗng thì việc cần làm là thay đổi tư duy tuyển dụng. Khi không còn những điều kiện phải có bằng, sẽ không còn câu chuyện chạy đi mua bằng cấp.
Trong khi quan chức Nhà nước tìm đủ mọi cách để có những tấm bằng, dù nó vô giá trị để mong được thăng quan tiến chức thì cũng lại không thiếu những ông sếp ôm cặp đến giảng đường mong có được kiến thức thật. Một vai đảm nhiệm vị trí tối cao tại doanh nghiệp, vai kia đeo cặp sách đi học, các sếp cũng căng thẳng với những bài giảng, những bài tập tại các lớp học về quản trị, cặm cụi cập nhật và trau dồi thêm cho mình những bài học mới. Nó cho thấy sự thay đổi ngày càng mạnh mẽ trong tư duy quản lý của các doanh nhân với xu hướng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Và để trang bị cho mình một tư duy quản lý không còn cách nào khác là phải “học thật” và lấy “kiến thức thật”.