Ông Dennis Jones, 82 tuổi, ở Virginia đã tự kết liễu đời mình sau khi bị lừa mất hết số tiền tiết kiệm cuối đời |
Điều đau xót sau một vụ tự tử
Matt Jones trầm ngâm về những sự việc xảy ra mấy tháng qua. Anh kể về cha mình: “Ngay khi phát hiện ra đó là một vụ tự sát, tôi chắc chắn 100% rằng do lừa đảo. Cha chúng tôi luôn là một người tích cực và vui vẻ, nhưng việc đó đã khiến ông thay đổi hoàn toàn”.
Nhân vật trung tâm câu chuyện là ông Dennis Jones (82 tuổi), một người đam mê chạy bộ và nhiếp ảnh, được con cháu yêu mến. Ông đã dành phần lớn thời gian nghỉ hưu để làm việc với những người tị nạn và tranh luận chính trị trên mạng. Nhưng trong vài tháng cuối đời, ông gần như tách khỏi gia đình sau khi kết bạn với một người phụ nữ tên Jessie trên Facebook. Hai người đã trò chuyện trực tuyến trong nhiều tháng và ngày càng trở nên thân thiết. Dần dần, Jessie đã thuyết phục được ông Dennis đầu tư vào tiền điện tử. Dù chưa bao giờ gặp Jessie trực tiếp, ông đã đặt tất cả số tiền mình dành dụm được vào đầu tư. Cho đến một ngày số tiền mất hết, ông suy sụp. Vào đầu tháng 3-2024, các con của ông Dennis đã bàn nhau giúp cha bình tâm trở lại sau vụ lừa đảo. Kế hoạch là đưa cụ ông về sống cùng với gia đình con gái. Nhưng một buổi sáng, không ai có thể liên lạc được với ông Dennis. Matt lái xe đến căn hộ của bố nhưng ông không có nhà và tất cả các cuộc gọi đều chuyển thẳng vào hộp thư thoại. Một giờ sau, cảnh sát gõ cửa nhà Matt và thông báo, ông Dennis đã tự kết liễu đời mình.
Sau khi ông Dennis qua đời, những người con bắt đầu tìm hiểu những gì đã xảy ra từ tin nhắn trên Facebook. Từ đó, họ mới hiểu được những gì ông Dennis đã phải đối mặt. “Tôi đã có những suy nghĩ đen tối về cuộc đời và muốn kết thúc. Chắc chắn là tài chính của tôi xong rồi. Và nỗi đau tột cùng ở đây là tôi đã phản bội niềm tin của gia đình. Điều này thật không thể chịu đựng được” - ông Dennis đã nhắn tin cho kẻ lừa đảo mình vài tháng trước khi tự tử. Các con ông nhận ra, điều đau lòng nhất là cha họ có dấu hiệu suy nhược tinh thần nhưng không chia sẻ với con cái. Chính những kẻ lừa đảo đã tìm ra cách để khiến nạn nhân tin tưởng chúng hơn chính gia đình họ. Đó là một chiêu trò tâm lý lớn mà bọn chúng đang làm chủ cuộc chơi. “Ông ấy chết trong xấu hổ và suy sụp về tài chính. Thật đau lòng. Nếu việc chia sẻ câu chuyện của chúng tôi giúp ích được cho các gia đình khác thì điều đó thật đáng giá” - con gái ông bày tỏ.
Vẫn là chiêu trò thao túng tâm lý
Cô Carina đã gặp Evan trên mạng xã hội Bumble vào tháng 5-2023. Trên ảnh đại diện là một người đàn ông tóc vàng và đôi mắt xanh quyến rũ. Anh ta tự nhận là người Hà Lan và khoe khoang sự giàu có bằng những chiếc xe hơi đắt tiền và đồng hồ Rolex, dù đó không phải là điều hấp dẫn nhất đối với Carina, một tiến sĩ hóa học và vận động viên 3 môn phối hợp. Mối quan hệ của họ tiến triển nhanh chóng. Sau đó, đối phương đề nghị chuyển cuộc trò chuyện sang WhatsApp và xóa ứng dụng Bumble để tập trung tìm hiểu nhau. Vài ngày sau, Evan bắt đầu gọi Carina là “em yêu”. Evan cho biết, nguồn thu nhập chính của anh ta là điều hành một công ty cùng với chú mình và đầu tư vào tiền điện tử. “Người tình” cho rằng, chỉ cần đầu tư, Carina có thể trả hết khoản vay sinh viên của mình. Ban đầu Carina do dự nhưng sau đó cũng đồng ý bỏ ra 1.000 USD. Thay vì sử dụng ứng dụng chính thức của nền tảng tiền điện tử Kraken, anh ta gửi cho cô đường link đến một trang web tương tự. Khi khoản đầu tư của họ tăng lên, mối quan hệ của họ cũng tăng theo. Cả hai đã lên kế hoạch cho tương lai, những chuyến đi nghỉ cuối tuần lãng mạn và giới thiệu gia đình, mặc dù họ vẫn chưa gặp mặt trực tiếp. “Thật khó tin là em lại yêu một người mà chưa từng gặp mặt hay nói chuyện cùng” - Carina nhắn với đối phương chỉ sau vài tuần quen biết.
Tình tiết gay cấn đầu tiên xuất hiện khi Evan gây áp lực buộc Carina tham gia một sự kiện mà cô sẽ phải đầu tư 150.000 USD. Nếu không đạt được mục tiêu đó, tài khoản và tiền của cô sẽ bị đóng băng. Sợ mất số tiền đã bỏ vào, Carina vay tiền từ bạn bè, gia đình, thậm chí vay cả lãi suất cao để kịp thời hạn. Thời điểm đó Evan từ chối giúp đỡ cô, nói rằng bản thân anh ta đang gặp khó khăn để đạt được mục tiêu 500.000 USD. Có lúc, Carina còn an ủi người tình, nói với anh ta rằng tiền không thành vấn đề, miễn là họ yêu nhau. Carina đã không nói với gia đình về những gì xảy ra với mình và “người tình” trên mạng. Sau khi đạt được mục tiêu sự kiện nói trên, Carina đã cố rút bớt tiền nhưng không thể thực hiện được vì bị cho là vi phạm các quy tắc của nền tảng đầu tư. Cuối cùng, Carina đành kể với gia đình và họ bảo cô nên trực tiếp hỏi nền tảng tiền điện tử Kraken. Sáng hôm sau, cô gọi cho bộ phận dịch vụ khách hàng của Kraken, họ thông báo rằng không có tài khoản nào đứng tên cô. “Đến lúc đó tôi mới nhận ra mình bị lừa. Tôi suy sụp. Tất cả đều là giả mạo” - Carina chia sẻ.
Sau đó, Carina phải chuyển về ở với mẹ và sẽ phải mất ít nhất 10 năm mới trả hết nợ. Đến giờ, đọc lại cuộc trò chuyện với “người tình ảo”, Carina gần như không nhận ra chính mình và tự hỏi tại sao lại bị thao túng đến vậy.
Những dòng tin nhắn “mùi mẫn” khiến cô Carina, Tiến sĩ hóa học ở Mỹ tin theo người tình trên mạng về đầu tư tiền ảo |
Cần liên minh chống lừa đảo bằng công nghệ
Cụ Dennis hay cô Carina chỉ là nạn nhân điển hình của một loại tội phạm mang tính toàn cầu, sử dụng chiêu trò làm quen rồi lôi kéo “con mồi” đầu tư vào các trang web tiền điện tử để lừa tiền. Nó bắt nguồn từ các băng đảng Trung Quốc vốn đã dựng lên một ngành công nghiệp lừa đảo trị giá hàng tỷ USD. Riêng ở Mỹ, các vụ lừa đảo bằng công nghệ cao có quy mô lớn đến mức các nhà điều tra gọi đây là hành vi chuyển hàng loạt tài sản từ tầng lớp trung lưu Mỹ sang các băng nhóm tội phạm. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ước tính, năm ngoái các vụ lừa đảo theo kiểu “vỗ béo rồi thịt” đã cướp đi gần 4 tỷ USD từ hàng chục nghìn nạn nhân người Mỹ, tăng 53% so với năm trước.
Mặc dù tội phạm diễn ra trực tuyến nhưng hậu quả của nó trong thế giới thực lại vô cùng tàn khốc. Bà Erin West - Công tố viên quận Santa Clara vài năm qua đã tham gia xử lý nhiều vụ lừa đảo “vỗ béo rồi thịt”. “Tôi đã làm công tố viên hơn 25 năm, tiếp xúc với đủ loại tội phạm, nhưng chưa bao giờ tôi thấy những người bị suy sụp hoàn toàn như nạn nhân lừa đảo kiểu này”. Là một trong những nhóm đầu tiên điều tra về các vụ lừa đảo bằng công nghệ ở vùng vịnh California, bà Erin West cho biết, có nạn nhân còn quay sang lừa đảo người quen và kẻ chiến thắng duy nhất là các băng đảng xã hội đen Trung Quốc.
Ông Shawn Bradstreet - đặc vụ Mỹ ở San Francisco cho hay, một phần số tiền chiếm đoạt từ các nạn nhân Mỹ được dùng để mở rộng các hoạt động lừa đảo cũng như các hoạt động bất hợp pháp khác. Phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập những kẻ lừa đảo săn lùng nạn nhân trên WhatsApp, Facebook, LinkedIn, đồng thời ngày càng có nhiều ứng dụng hẹn hò như Bumble và Tinder. Vào tháng 5-2024, một nhóm các công ty công nghệ bao gồm nền tảng trao đổi tiền điện tử Coinbase, Meta, Match và tổ chức từ thiện chống lừa đảo GASO đã công bố “Liên minh công nghệ chống lừa đảo” và thừa nhận rằng, lừa đảo “là một thực trạng phổ biến trên toàn bộ công nghệ”.
Tuy nhiên, Công tố viên Erin West nói rằng điều đó là chưa đủ. Gần đây, bà đã thành lập một đội đặc nhiệm mang tên Chiến dịch Shamrock để tập hợp các cơ quan thực thi pháp luật, phương tiện truyền thông xã hội, sàn giao dịch tiền điện tử và các ngân hàng truyền thống để xử lý các vụ lừa đảo tiền điện tử. Các lực lượng thực thi pháp luật Mỹ dự đoán rằng, tổn thất sẽ còn gia tăng trong năm tới và khi bọn tội phạm vẫn nằm ngoài tầm với, thì tiền bạc và tính mạng của các nạn nhân vẫn tiếp tục… ra đi.
Riêng ở Mỹ, các vụ lừa đảo công nghệ cao có quy mô lớn đến mức các nhà điều tra gọi đây là hành vi chuyển hàng loạt tài sản từ tầng lớp trung lưu Mỹ sang các băng nhóm tội phạm. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ước tính, năm ngoái các vụ lừa đảo theo kiểu “vỗ béo rồi thịt” đã cướp đi gần 4 tỷ USD từ hàng chục nghìn nạn nhân người Mỹ, tăng 53% so với năm trước.