Khi người nghèo lên tiếng

ANTĐ - Từ “đốm lửa” vài chục người tham gia cách đây 4 tuần, cuộc biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” đã trở thành một phong trào lan rộng ra nhiều thành phố tại nước Mỹ để phản kháng khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn.

Những người tham gia phong trào biểu tình “Chiếm lấy phố Wall”

nhằm chiếm phố Wall suốt 4 tuần qua

Phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” (Occupy Wall Street) được phát động từ ngày 17-9 vừa qua với vài chục người biểu tình dựng trại trước Sở giao dịch chứng khoán New York ở khu Manhattan. Những người biểu tình, trong đó chủ yếu là thanh niên, muốn tổ chức hoạt động phản kháng của mình ngay tại nơi tập trung các nhà băng lớn nhất nước Mỹ để phản đối nghịch lý người nghèo ngày càng nghèo đi trong khi người giàu lại ngày một giàu hơn.

Theo những người biểu tình, chính sự tham lam quá mức của giới chủ nhà băng là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế năm 2008. Cuộc khủng hoảng biến thành cuộc “đại suy thoái” lần thứ hai trong lịch sử nước Mỹ sau cuộc “đại suy thoái” những năm đầu 1930 đã đẩy thêm nhiều người dân nước này vào cảnh thất nghiệp, nghèo đói.

Số liệu điều tra của Cục Điều tra dân số Mỹ vừa công bố cho biết, người nghèo ở nước này đã tăng lên mức kỷ lục trong hơn 20 năm qua với 45,2 triệu người thuộc diện nghèo trong năm 2010. Cuộc điều tra còn cho thấy, ngày càng có thêm nhiều người Mỹ bị rơi xuống mức nghèo trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến tỷ lệ thất nghiệp lên tới 9% lực lượng lao động.

Bức xúc về khoảng cách giàu nghèo tại nước Mỹ dường như càng gia tăng thêm trước nghịch lý 1% số dân giàu lại có thu nhập và sở hữu lượng tài sản lớn hơn đa số dân nghèo. Điều đáng nói nữa là, trong khi ngày càng có nhiều người nghèo cần trợ cấp thì phần lớn các gói kích thích mà tổng giá trị lên tới hàng nghìn tỷ USD lại chủ yếu nhằm hỗ trợ ngành tài chính-ngân hàng, thủ phạm chính gây ra cuộc khủng hoảng.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi “đốm lửa” nhỏ “Chiếm lấy Phố Wall” vừa được nhen lên đã nhanh chóng bùng phát thành một phong trào lan rộng ra nhiều thành phố lớn của Mỹ. Tinh thần “Chiếm lấy Phố Wall” thổi bùng phong trào biểu tình tương tự tại các thành phố khác như Boston, Chicago, Los Angeles… và cả Thủ đô Washington.

Chưa dừng ở đó, phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” đã khơi nguồn cảm hứng cho các hành động phản kháng tương tự ở châu Âu và Nhật Bản. Những người biểu tình tại Mỹ đã sử dụng mạng xã hội như Twitter và Facebook để kêu gọi xuống đường, quyên góp tiền, thực phẩm và chăn màn cho “cuộc chiến có thể còn kéo dài”.

Cảnh sát Mỹ đã bắt giữ hàng trăm người biểu tình với lý do “bảo đảm an ninh trật tự”, song giới phân tích cho rằng cần phải giải quyết căn nguyên, đó là có những cải cách để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã tạm thời đối phó bằng cách đưa ra đề xuất tăng thuế đánh vào giới nhà giàu ở Mỹ cũng như kế hoạch thông qua gói kích thích việc làm trị giá 447 tỷ USD vào cuối tháng 10 này… nhưng những người biểu tình cho rằng như vậy là chưa thể đủ.

Phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” - cuộc phản kháng của người nghèo vì thế được cho là sẽ còn tiếp tục.