Khi năm học mới bắt đầu: Đừng để trẻ căng thẳng, lo lắng

ANTĐ - Năm học mới bắt đầu có thể là khoảng thời gian vui thích của các em học sinh nhưng một số trẻ có biểu hiện căng thẳng và lo lắng. Làm thế nào để giúp trẻ cảm thấy bình tĩnh và thoải mái trước những thay đổi mà chúng sẽ phải đối mặt khi tiếng trống trường đã điểm?

Cần tạo tâm lý thoải mái nhất khi trẻ đến trường

Nắm bắt tâm lý 

Hiểu tâm trạng, tính khí của con mình là điều rất hữu ích vì hiện tượng trẻ sợ đi học, thậm chí ốm vì đi học là chuyện… thường tình. Một số trẻ cần có thời gian để chuẩn bị về tinh thần. Do căng thẳng, trẻ có thể kêu bị đau bụng, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, đặc biệt là tối chủ nhật, sau khi nghỉ ngơi thoải mái vào cuối tuần và chuẩn bị cho một tuần học mới. Nếu bạn thấy các triệu chứng “tiềm năng” của sự căng thẳng này, hãy trò chuyện thẳng thắn với con. Trẻ thường lo lắng nhất giáo viên là ai, lớp học ở đâu, ăn trưa thế nào, ai sẽ đón con sau giờ học. Cứ để trẻ nói ra những điều chúng nghĩ rồi bố mẹ mới phân tích, giúp con sẵn sàng cho những thay đổi sắp tới.

Làm quen dần

Với nhiều trẻ, năm học mới nghĩa là đến một nơi nào đó với lớp học mới, thầy cô mới, bạn cùng lớp mới, thậm chí là trường học mới. Trong tình huống này, bố mẹ có thể giúp trẻ thích nghi với môi trường mới bằng cách những ngày đầu đi học, đưa con đi bộ quanh trường, tìm hiểu khuôn viên trường, tìm lớp học và gặp gỡ giáo viên. Hiện giờ mỗi đứa trẻ đều có số điện thoại của bố mẹ ghi trên thẻ học sinh, vì thế chúng an tâm hơn khi biết rằng nếu có chuyện cần thiết, ít nhất có người lớn (tức là giáo viên) sẽ gọi điện cho bố mẹ mình. Trong lớp, giáo viên cũng thường yêu cầu học sinh tự giới thiệu về mình, khuyến khích trẻ làm quen với nhau để xóa đi vẻ nhút nhát ban đầu khi vào lớp mới.

Giảm tải chương trình

Hiện nay, trẻ “bận rộn” từ sáng tới tối vì lịch học hành, tham gia câu lạc bộ dày đặc là điều không quá xa lạ. Một số em thiên về các hoạt động nhưng cũng có em cảm thấy căng thẳng. Nghiên cứu cho thấy, sự tham gia của học sinh sau giờ học khiến trẻ kiên trì hơn, cảm thấy vui thích hơn trong quá trình học tập, tuy nhiên trẻ luôn phải có sự cân bằng giữa thời gian học và chơi.

Không quá kỳ vọng vào điểm số

Kỳ vọng của cha mẹ có thể tạo ra áp lực và căng thẳng đối với con cái. Mỗi đứa trẻ có lực học khác nhau nên thay vì hướng con phải ganh đua để đứng đầu lớp, hãy đặt ra mục tiêu ngắn hạn để con tự tin tiến bộ từng bước. Quan trọng là biết điểm mạnh - điểm yếu của con thế nào để hỗ trợ, can thiệp; khen thưởng đúng chỗ chứ không nên trừng phạt hay chỉ trích vì mục tiêu cuối cùng là giúp con có niềm say mê học tập và rèn các kỹ năng cho cả cuộc đời.

Không còn ghét nhà vệ sinh

Vấn đề nhà vệ sinh đôi khi cũng khiến trẻ lo lắng. Hầu hết học sinh đều không thích nhà vệ sinh công cộng và nhiều trẻ cảm thấy khó khăn khi “đi” ở nơi công cộng. Vì thế mối quan tâm này nên được giải quyết trực tiếp, cha mẹ nên tìm hiểu vấn đề có nghiêm trọng không để nhờ cô giáo động viên hoặc nhờ nhà trường giúp đỡ.

Chăm sóc sức khỏe

Hai điều quan trọng nhất mà cha mẹ có thể làm để giúp con vững bước khi đến trường là đảm bảo giấc ngủ ngon và bữa ăn sáng chất lượng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thức khuya để chơi trò chơi điện tử hoặc xem truyền hình, dẫn đến thiếu ngủ đều có thể ảnh hưởng xấu việc ghi nhớ và tiếp thu bài học. Năm 2012, một nghiên cứu trên Tạp chí Nhi khoa chứng minh rằng để trẻ ở lứa tuổi 7-11 có thêm 30 phút ngủ ban đêm sẽ giúp giảm bồn chồn và hành vi bốc đồng ở trường học.