Khi yêu, không vướng bận về kinh tế, không mấy khi "tọa đàm" những vấn đề quan trọng về thời cuộc xã hội nên chưa bao giờ trong đầu tôi tồn tại dòng suy nghĩ sự chênh lệch thấp - cao về học vấn, công việc giữa tôi và Thúy. Thế nhưng, bước vào cuộc sống hôn nhân với biết bao nhiêu điều phải liệu lo, tôi chợt nhận ra mình luôn "thấp" hơn vợ một "cái đầu" trong tất cả mọi chuyện. Với tính sĩ diện cao, tôi mang tất cả những xấu hổ, chạnh lòng ấy ném vào những cuộc nhậu với chiến hữu, vào vòng tay lả lơi của những gái làng chơi. Để rồi, ngỡ ngàng, hối hận khi tự mình đánh mất một gia đình...
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình bậc trung nội thành Hà Nội. Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã không có niềm hứng thú với những con số, bài văn. 12 năm học phổ thông, cố gắng lắm tôi cũng chỉ đạt học lực khá, mà lại là khá "vớt". Khi bạn bè đỗ trường đại học này, học viện kia, hay chí ít cũng là vào một trường cao đẳng thì tôi chỉ đi học Trung cấp điện. Bố mẹ nhờ người quen biết xin cho tôi đi học bởi sợ tôi ở nhà sẽ sinh hư. Không phải là quá nghịch ngợm song tôi cũng sẵn sàng đi thâu đem đến sáng với mấy đứa bạn nên bố mẹ cũng đề phòng, tránh cái tình trạng "nhàn cư vi bất thiện". Học hành không chỉn chu và không bao giờ chịu để cái đầu mình phải "động não" nhưng bù lại, tôi có một ngoại hình khá "ổn".
Cao ráo, sáng sủa nên tôi luôn là tâm điểm của mỗi cuộc gặp gỡ, nhậu nhẹt. Không ít những cô gái muốn được trở thành bạn gái của tôi thế nhưng không hiểu sao, tôi lại không có tính lăng nhăng với người không mang lại sự rung động cho mình. Cho tới khi gặp Thúy - vợ tôi sau này - trong một lần sinh nhật cậu bạn, tôi mới bị thu hút và quyết tâm chinh phục người con gái khá "đặc biệt" này. Thúy đặc biệt bởi Thúy có một vẻ ngoài bình thường với nước da ngăm ngăm, ăn mặc lại hết sức giản dị. Nếu đứng bên cạnh những cô gái thích tôi thì Thúy là cô gái có nhan sắc kém nhất. Nhưng Thúy có một khuôn mặt "biết nói" khuôn mặt ấy toát lên sự thông minh và cả sự hóm hỉnh nữa.
Thêm một điều nữa khiến tôi càng quyết tâm chinh phục, Thúy là cô gái duy nhất trong bữa sinh nhật ấy không để ý tới tôi. Khi tôi bắt chuyện làm quen Thúy cũng trả lời rất qua loa, cô xin phép về sớm khi chúng tôi rủ nhau đi bar để hát. Lân la hỏi cậu bạn học cùng lớp Thúy mới biết, cô không thích đến những nơi ồn ào như thế mặc dù cô hát khá hay.
Công cuộc chinh phục Thúy cũng không mấy suôn sẻ khi thúy tâm sự với mấy cô bạn thân rằng tôi chẳng tạo được cho cô tí niềm tin nào. Tôi là trai Hà Nội, còn cô lại là cô gái tỉnh lẻ, mãi tận Tuyên Quang. Thúy luôn nghĩ tôi mang cô ra làm trò đùa bởi nếu hai người đi với nhau, Thúy chỉ làm nền để cho tôi thêm nổi bật và bởi đến lúc tôi gặp Thúy, cô cũng chưa hề dành tình cảm cho chàng trai nào. Tuy khá điển trai nhưng tôi lại không đặt ra nhu cầu về nhan sắc, hình thức quá cao cho bạn gái mình, thế nên tôi quyết tâm chinh phục cô gái cứng đầu này. Tôi kiên trì theo đuổi, hết sức chân thành trong hơn một năm thì Thúy bắt đầu xiêu lòng. Những cuộc nói chuyến điện thoại hay những lần gặp gỡ, Thúy cởi mở hơn, chia sẻ nhiều hơn. Tuy có vẻ ngoài bình thường song ẩn sâu bên trong con người Thúy lại là một tâm hồn sâu sắc, một kho tàng kiến thức phong phú, đa dạng khiến tôi càng bị thu hút nhiều hơn.
Là một sinh viên năm cuối trường Đại học Ngoại thương, Thúy có tầm hiểu biết khá rộng về mọi lĩnh vực. Tôi biết Thúy thông minh, có trình độ nhưng lại nghĩ thật đơn giản rằng tất cả đều có thể dung hòa. Thúy quan tâm tới tôi nhẹ nhàng, tinh tế, mang lại cho tôi cảm giác bình yên và tin tưởng. Khi đã yêu nhau, Thúy luôn bảo với tôi rằng: Em chỉ cần tìm một người đàn ông tốt bụng và chung thủy để yêu và lấy làm chồng. Đến với anh, không phải vì anh là người Hà Nội, mà vì em tin vào tình cảm chân thành anh dành cho em". Tôi đã tự nhủ, sẽ mang lại hạnh phúc cho người con gái mộc mạc, giản dị ấy.
Chúng tôi đến với nhau sau hai năm yêu và tìm hiểu. Khi đó, bố mẹ đã mở cho tôi một cửa hàng sửa chữa điện tử, điện gia dụng. Còn Thúy đã ra trường, với tấm bằng giỏi, cô được nhận thẳng vào một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội. Đám cưới diễn ra trong sự chúc phúc và hài lòng của hai bên gia đình. Bố mẹ tôi quý con dâu vì không tin con trai "lười học chăm chơi" của mình lại lấy được một cô gái học ngoại thương giỏi giang làm vợ. Bố mẹ Thúy cũng thấy hài lòng và yên tâm bởi Thúy lấy được một chàng trai Hà Nội có nhà cửa, công việc ổn định làm chồng. Hai vợ chồng sau khi cưới đã mượn thêm tiền của bố mẹ tôi mua một căn hộ chung cư để ở chứ không ở cùng bố mẹ chồng.
Công việc của hai vợ chồng khá bận rộn. Cửa hàng của tôi cũng đông khách, còn Thúy cũng nhiều việc với chức chuyên viên của mình. Thế nhưng, Thúy luôn sắp xếp thời gian để về nhà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa nên cuộc sống hai vợ chồng tôi rất hạnh phúc. Đứa con trai đầu lòng ra đời, cuộc sống gia đình vui vẻ hơn. Nhưng nguyên nhân tan vỡ gia đình tôi cũng bắt đầu từ khi đó. Mùa đông tới, cửa hàng của tôi ít khách hơn, thu nhập cũng giảm đi đáng kể. Trong khi đó, do làm tốt công việc, thu nhập của vợ tôi ngày càng khá hơn. Lẽ ra tôi cũng nên mừng khi thấy vợ kiếm được nhiều tiền để lo cho con cái, gia đình.
Nhưng đến một ngày ở cửa hàng, người hàng xóm qua chơi, nghe tôi kể chuyện nhà cửa, con cái, vừa đùa vừa thật nói "mát" khiến tôi thấy bị tự ái: "Sướng nhất cậu nhé, có vợ học cao, biết rộng lại kiếm được nhiều tiền. Cuộc sống gia đình giờ phải lo biết bao nhiêu thứ, không có cô ấy, còn lâu cậu mới được như thế này". Đúng là tôi thấy mình thật may mắn khi lấy được Thúy làm vợ, nhưng chỉ qua một câu nói bóng gió của bà hàng xóm, tôi lại thấy mình quá thấp kém khi thu nhập không bằng một nửa của Thuý. Lòng tự ái, tự ti có chút động đậy nhưng tôi nhanh chóng quên đi khi về tới nhà, nghe tiếng cười con trẻ bi bô tập nói, tôi nghĩ mình sẽ cố gắng thật nhiều để vợ có thể tự hào về chồng.
Khi con trai lên 4 tuổi, những tranh cãi giữa hai vợ chồng về việc nuôi dạy, chăm sóc con đến việc đối nội, đối ngoại ngày càng nhiều hơn. Biết vợ nói hợp lý nhưng tôi luôn bảo thủ khi nhất định cho ý kiến của mình là đúng. Vợ muốn tổ chức cho cả ông bà nội và ông bà ngoại đi du lịch để gắn bó tình cảm thì tôi lại không đồng ý vì không cần thiết, nhà nào đi nhà nấy cho đỡ phức tạp. Khi hai vợ chồng bàn với nhau việc thuê giúp việc, tôi cho rằng không cần thuê người ngoài, về quê ngoại tìm người thân xuống làm giúp thì vợ lại cho rằng, tốt nhất là nên tìm người ở trung tâm để tránh việc họ hàng phân ranh giới người làm chủ, người làm thuê.
Hay khi nói những chuyện chính trị, xã hội, vợ thường phân tích, thường khẳng định ý kiến mình là đúng nên tôi thấy khó chịu. Nhiều khi ngẫm lại, thấy vợ nói đúng nhưng lại bực bội vì vợ không tâm lý, chỉ muốn khẳng định mình hiểu biết hơn chồng nên trong lòng thấy ấm ức. Và rồi, tôi ném hết những ấm ức, tự ti về việc mình kém hơn vợ cả về hiểu biết lần kiếm tiền vào những cuộc nhậu với bạn bè. Tôi buông thả bản thân mình trong vòng tay lả lơi của những gái làng chơi mà cố tình không quan tâm tới vợ và con trai. Vợ ngạc nhiên trước thay đổi của tôi. Vợ góp ý, khuyên nhủ thì tôi lại cho rằng cô ấy mang học thức ra đề dạy bảo tôi. Tôi bực bội, quát tháo và bỏ đi.
Vợ tôi nhẫn nhịn nhưng sức chịu đựng của cô ấy có giới hạn. Một buổi chiều thứ 7, khi nhậu ngà ngà say, tôi về thì chỉ thấy trên bàn có lá thư vợ để lại. Cô ấy đưa con trai về quê ngoại. Trong căn nhà vắng tiếng bi bô của trẻ, thiếu bàn tay chăm sóc của người vợ đảm, tôi thấy hối hận về những việc mình đã làm. Có thể vợ sẽ tha thứ nhưng liệu bản thân tôi có vượt qua được nỗi mặc cảm, tự ti về sự chênh lệch giữa hai vợ chồng để tiếp tục một cuộc sống gia đình hạnh phúc như ngày đầu tiên?