Khi bố mẹ ở hai “chiến tuyến”

ANTĐ - Trong nhiều gia đình, tình trạng cha mẹ cãi vã, nói xấu nhau trước mặt con trẻ, thậm chí coi nhau như người dưng dù sống dưới một mái nhà diễn ra khá phổ biến. Điều này đã khiến họ tự đánh mất đi hình ảnh đẹp của mình trong con mắt của trẻ, khiến chúng phải gánh chịu nhiều bất ổn về tâm lý…


Trút giận lên đầu con cái

Sinh ra và lớn lên trong sự bất hòa triền miên của bố mẹ, đã có lúc Phương Anh, sinh viên trường Đại học Hà Nội từng nghĩ mình là nguyên nhân của những bất hòa đó và có thời gian em đã sống bất cần mọi thứ, hủy hoại bản thân bằng những cuộc chơi đêm, về nhà trong tình trạng say xỉn để quên đi những cãi vã, to tiếng của bố mẹ.

Tuy vậy, bố mẹ Phương Anh nhất quyết không ly hôn, bởi họ có quá nhiều tài sản chung. Họ đối xử với nhau như những người xa lạ, thậm chí họ còn nói xấu nhau trước mặt con cái, khiến Phương Anh rất đau khổ. Phương Anh chua xót kể lại: “Bố mẹ em dù trên danh nghĩa là vợ chồng nhưng lại đối xử với nhau như những người ở hai đầu chiến tuyến. Khi chỉ có mình mẹ và em, mẹ thường kể những thói hư tật xấu của bố với giọng cay nghiệt: “Đừng có mà giống cái thằng bố mày”. Ngược lại, nếu nói chuyện với em mà không có mẹ, bố lại dùng những lời lẽ không mấy tốt đẹp, và cuối cùng chỉ để thoả mãn cái tôi của mỗi người mà quên mất sự tồn tại của em. Em cảm thấy mình thật bất hạnh, sống trong nhung lụa nhưng chẳng khác gì địa ngục. Đã có lúc em muốn tìm đến cái chết…”.

Trà My, học lớp 12 một trường THPT ở quận Đống Đa thở dài tâm sự: “Không hiểu tình cảm giữa bố mẹ em dành cho nhau như thế nào mà chẳng bao giờ họ nói chuyện bình thường được quá hai câu. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, ngày nào cũng là “bài ca” to tiếng, rồi lôi cả chuyện từ mấy chục năm trước ra để dằn vặt nhau. Sau mỗi lần chiến tranh xảy ra là y như rằng một lá đơn ly dị được viết rồi hai người lại thách nhau ký qua, ký lại. Hồi nhỏ cứ mỗi lần bố mẹ cãi nhau là hai chị em lại ôm nhau khóc rồi van xin bố mẹ đừng ly dị. Nhưng đến bây giờ, chúng em không còn quá bận tâm đến chuyện đó nữa, thích thì họ cứ bỏ nhau, chúng em càng đỡ phải nghe hai người chửi bới, cãi vã, nói xấu nhau…”.

Trên một số diễn đàn dành cho các bạn trẻ, không ít bạn còn tâm sự: “Em quá mệt mỏi khi ngày nào cũng phải chứng kiến bố mẹ giày vò nhau. Họ không ở được thì bỏ nhau cho xong chuyện chứ việc gì cứ phải khổ sở như vậy, rồi khổ lây sang cả con cái”. Một em khác, vì cha thường xuyên nhậu nhẹt, không chịu đựng nổi đã trút bầu tâm sự trên trang nhật ký: “Bố mẹ suốt ngày cãi nhau như cơm bữa làm cho mình chán nản, không xác định được mục đích sống, không tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời. Mình chỉ muốn tung hê, đập phá mọi thứ. Giờ đây, việc học cũng dở dang, không có nghề nghiệp, mọi người không tôn trọng mình. Mình muốn làm lại cuộc đời nhưng không biết bắt đầu từ đâu, mình thấy oán hận cha mẹ và cuộc đời này quá…”.

Đừng để trẻ bị tổn thương

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng: “Nếu người vợ và người chồng không còn yêu thương nhau, không thể cùng chung sống để nuôi dạy con cái thì nên chia tay trong hoà bình. Hãy lưu giữ trong những đứa con của mình hình ảnh người cha người mẹ tốt, còn hơn gây tâm lý cho con cái mình bằng những trận cãi vã hoặc bằng những tình cảm lạnh lùng dành cho nhau. Tất nhiên, sự đổ vỡ nào cũng để lại vết rạn, nhưng hãy cố gắng làm vết rạn đó ít nhất có thể, còn hơn là cố chịu đựng vì con cái mà không biết rằng chính việc đó sẽ làm hại chúng. Có rất nhiều người sau khi ly hôn vẫn có đủ điều kiện nuôi dạy con cái trưởng thành, cái chính là ở phương pháp và tình yêu thương mà mỗi người bố, người mẹ dành cho con cái. Có nhiều ông bố bà mẹ chỉ để ý đến cảm giác của mình, làm thế nào khiến họ thoải mái nhất mà không hề thử đặt mình vào vị trí của con cái để suy nghĩ. Chính vì vậy, chỉ cần không vừa ý chuyện gì là họ đem nhau ra chửi bới, thậm chí là “chiến tranh lạnh”.

Tình trạng cha mẹ hay cãi lộn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ. Đặc biệt là những trẻ trong lứa tuổi dậy thì, vì đây là lúc tâm lý đang phát triển, chúng cần được sự quan tâm, động viên của bố mẹ và người thân nhiều nhất. Tâm lý của lứa tuổi này cũng rất dễ bị tổn thương nên việc thường xuyên nhìn thấy cha mẹ mình không hạnh phúc sẽ gây nên những suy nghĩ và hành động tiêu cực, thậm chí còn dẫn đến nhiều trường hợp trẻ tự tử vì quá buồn do phải thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã. Điều quan trọng nhất của những người làm cha làm mẹ là hãy cố gắng để đối xử với con cái của mình bằng tình yêu thương nồng nhiệt nhất. Chỉ có như vậy trẻ mới hiểu rằng việc chúng tồn tại là có ý nghĩa và từ đó chúng sẽ biết suy nghĩ để có thể sống tích cực hơn. Cha mẹ nhất thiết phải là những người bạn đầu tiên và thân thiết nhất của con cái mình, ông Tuấn đưa ra lời khuyên.