Khát hàng bình ổn giá

ANTĐ - Chương trình bán hàng bình ổn giá năm 2012 của Hà Nội đang được tiếp diễn. Trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng rục rịch tăng, đa số người dân khao khát mua được hàng bình ổn giá.

Chương trình bình ổn giá đang được các doanh nghiệp triển khai trên toàn thành phố

Áp lực tăng giá

Mặc dù vắng khách nhưng nhiều siêu thị, cửa hàng tại Hà Nội đang phải tính toán nâng giá bán lẻ hàng hóa. Chị Thủy (chủ siêu thị mini trên phố Pháo Đài Láng) cho biết: “Nhà phân phối một số mặt hàng hóa mỹ phẩm, nhựa… đã có thông báo tăng giá bán thêm ít nhất 5% nhưng chúng tôi đang cân nhắc”. Chi phí vận chuyển tăng, cộng với việc giá gas tăng liên tiếp gần đây đã tác động nhiều đến các ngành hàng khác. Đại diện một số siêu thị khác cho hay, có thể cuối tháng 9 này sẽ có một đợt tăng giá hàng hóa mới. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc siêu thị Co.op mart Hà Nội, nhiều đơn vị cung ứng hàng đang đòi tăng giá nhưng siêu thị sẽ thẩm định lại phía giao hàng. 

Cùng chung dự báo này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, mỗi siêu thị có từ 30.000-50.000 mặt hàng nên việc tăng giá chỉ thực hiện ở một số mặt hàng và sẽ không có biến động mạnh. 

Theo một chuyên gia về thị trường, trong bối cảnh này, chương trình bình ổn giá mà Hà Nội đang thực hiện rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, ông này cũng phân tích, mặc dù là hàng bình ổn giá nhưng nếu các yếu tố cấu thành giá hàng hóa tăng thì các siêu thị được giao nhiệm vụ bình ổn giá cũng vẫn phải tăng giá bán, chỉ có thể kéo giãn thời gian tăng giá. 

Cần hỗ trợ người tiêu dùng

Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng trong khi thu nhập giữ nguyên, thậm chí giảm sút, chị Trà (đường Nguyễn Trãi- Thanh Xuân) chia sẻ: “Thời buổi này chúng tôi phải tiết kiệm hết mức, nhất là bây giờ mới đầu năm học mới, rất nhiều chi phí. Bởi vậy, chúng tôi mong mỏi mua được hàng hóa bình ổn”. Tuy nhiên, cũng giống như những năm trước, cơ cấu hàng bình ổn giá chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Ví dụ như với mặt hàng gạo, nhiều siêu thị vẫn tiến hành bình ổn với gạo chất lượng cao trong khi loại gạo bình dân hơn lại không nằm trong danh mục này.

Bên cạnh đó, giá một số loại hàng bình ổn cao hơn ngoài thị trường; người dân vẫn phải “chờ” cho đến khi giá hàng hóa trên thị trường biến động mạnh mới được bình ổn giá… Thế nên khi giá các mặt hàng “thong thả” tăng như hiện nay, hàng bình ổn giá vẫn chưa đến được với người tiêu dùng.

Đánh giá về chương trình này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, biện pháp bình ổn giá, đăng ký giá theo chủ trương của Chính phủ là rất đáng quí. Tuy nhiên, chính sách chưa đi vào cuộc sống ở chỗ, cả người tiêu dùng và người trong cuộc là cơ quan chức năng vẫn chưa thể xác  định đâu là hàng hóa được trợ giá, đâu là hàng hóa không được trợ giá; không thể kiểm soát được bao nhiêu phần trăm hàng hóa được bán với giá đã được trợ giá, bao nhiêu phần trăm bán với giá thị trường… “Tất cả đều phụ  thuộc  vào  sự  làm ăn  trung thực  của  doanh  nghiệp. Hiệu quả của chính sách do vậy phập phù”- ông Doanh nói.

Chuyên gia kinh tế khác lại cho rằng, cơ chế bình ổn giá còn chồng chéo. Cụ thể, các Sở Công Thương chịu trách nhiệm quản lý về nguồn cung hàng, còn quản lý giá lại do Sở Tài chính nên nhiều trường hợp thiếu sự phối hợp. Việc phê duyệt đăng ký giá, điều chỉnh giá cũng chậm, chưa theo kịp diễn biến của thị trường dẫn đến tình trạng, hàng bình ổn giá không xuống kịp theo thị trường… Bởi vậy, chưa nhiều người tiêu dùng được hưởng lợi từ chính sách này.