Chủ nhiệm dự án mỹ thuật này, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả của “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” cho biết, các hoạ sỹ và nhân viên Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã chế tác và gắn tranh gốm tại Hà Nội. Tổng cộng hai bức tranh được ghép từ gần một triệu viên gốm nhỏ, nung ở nhiệt độ trên 1.200 độ C. Điều này sẽ tạo độ bền vững của bức tranh gốm trong nắng gió Biển Đông.
Trong 2 bức tranh ghép gốm, bức bên phải cầu cảng mang tên “Trường Sa – Sức mạnh Việt Nam” cao 4,8m dài 20m, là hình ảnh tượng trưng cho sự đoàn kết dân tộc, được hun đúc từ tình yêu Tổ quốc, tình yêu đó trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Bức tranh phía bên trái cầu cảng vốn là một bức tranh cổ động cũ, được vẽ bằng sơn vôi, đã bị bong tróc do sóng gió Biển Đông.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thuỷ và Nguyễn Hoàng Tùng đã chỉnh sửa gương mặt, tư thế và trang phục của các nhân vật trong tranh lại cho đẹp hơn, sắc nét hơn, đồng thời thay thế bằng chất liệu gốm sứ để bức tranh trường tồn với thời gian. Bức tranh cổ động với hàng chữ lớn “Quân dân huyện đảo Trường Sa quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc”. Được đặt ở vị trí đối xứng hai bên cầu cảng đảo Trường Sa. Sau “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” (năm 2010), hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ tiếp tục các ý tưởng nối dài Con đường gốm sứ tới Trường Sa với Lá cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam và 4 bức tranh gốm ca ngợi hình tượng người chiến sĩ hải quân góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Hai bức tranh vừa hoàn thành là món quà ý nghĩa mà Hội cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và các đơn vị thành viên gửi tặng đảo Trường Sa, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần các chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió.