Khánh Hòa đề nghị “giải cứu” dự án BOT quốc lộ 26 có nguy cơ phá sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tỉnh Khánh Hòa đề nghị xem xét đưa dự án BOT quốc lộ 26 vào danh mục các dự án BOT vừa được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua các giải pháp xử lý vướng mắc.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn gửi Bộ GTVT kiến nghị xem xét phương án xử lý dự án xây dựng tuyến quốc lộ 26 đoạn qua thị xã Ninh Hòa (Km0 - Km2+897) và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 26 gồm các đoạn: Km3+411 - Km15+350, Km84+300 - Km88+383, Km91+383 - Km98+800, Km101+800 - Km112+800 theo hình thức BOT (dự án BOT quốc lộ 26).

Tại công văn này, tỉnh Khánh Hòa đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông xem xét đưa dự án BOT quốc lộ 26 vào danh mục các dự án BOT vừa được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua các giải pháp xử lý vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT tại Tờ trình số 2451/TTr-BTVT ngày 8/3/2024.

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến dự án này. Theo đó, Bộ GTVT cho hay, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có ảnh hưởng đến phương án tài chính dự án BOT quốc lộ 26.

Trạm BOT Ninh Xuân thu phí hoàn vốn cho dự án BOT quốc lộ 26

Trạm BOT Ninh Xuân thu phí hoàn vốn cho dự án BOT quốc lộ 26

Trong quá trình chuẩn bị đầu tư cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan đánh giá tác động và trình Chính phủ xem xét; Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Tại Tờ trình số 190/TTr-CP ngày 21/5/2022, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội rằng: “Việc định lượng mức độ ảnh hưởng đến dự án BOT quốc lộ 26 chỉ có thể xác định khi đường cao tốc đưa vào khai thác.

Do vậy, trong bước triển khai tiếp theo, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, phối hợp các doanh nghiệp dự án BOT đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng, doanh thu thực tế và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, bảo đảm tuân thủ các điều kiện hợp đồng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư”.

Dự án BOT quốc lộ 26 do Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đầu tư, được triển khai trong giai đoạn 2012 - 2020. Dự án được Bộ GTVT quyết định đầu tư vào năm 2015, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2019, với tổng mức đầu tư 816 tỷ đồng.

Nhà đầu tư được chọn thực hiện dự án là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 501; doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH một thành viên CICO 501 BOT quốc lộ 26.

Theo hợp đồng BOT được ký kết, nhà đầu tư được thu phí tại 2 trạm thu phí là trạm Ninh Xuân (Km8+800, quốc lộ 26) và trạm Eadar (Km93+ 677, quốc lộ 26) trong thời gian là 33 năm 1 tháng.

Dù vậy, kể từ khi đưa vào khai thác và thu phí hoàn vốn đến nay, doanh thu phí bình quân tại dự án chỉ đạt khoảng 54% phương án tài chính, không đủ trả gốc và lãi vay ngân hàng.

Thêm vào đó, việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vào cuối năm 2025, đầu năm 2026 chạy song song càng khiến dự án lâm vào cảnh khó khăn, có thể dẫn tới phá sản.

Được biết, từ năm 2022, nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 501 đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét 2 phương án xử lý vướng mắc cho dự án BOT quốc lộ 26 khi tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động.

Trong đó, phương án 1 là tiếp tục tổ chức thu phí tại các trạm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT quốc lộ 26 và Nhà nước hỗ trợ kinh phí thu thiếu hàng năm theo phương án tài chính đã ký (dự kiến ngân sách hỗ trợ trong 33 năm 1 tháng là 3.500 tỷ đồng).

Phương án 2 là xóa bỏ các trạm thu phí của dự án BOT quốc lộ 26 và bố trí ngân sách Nhà nước (khoảng 1.085 tỷ đồng) để chi trả cho nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn.