Khẳng định trách nhiệm của lực lượng vũ trang Thủ đô với biển đảo Tổ quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Với mục tiêu lan tỏa tinh thần, sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, chiều 22-9, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tổ chức chương trình giao lưu “Hà Nội với Trường Sa và trách nhiệm của lực lượng vũ trang Thủ đô”.

Lắng đọng trong chương trình là những hình ảnh người lính Hà Nội ở các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa sạm đen vì nắng, gió nhưng tinh thần chiến đấu, quyết tâm rèn luyện ý chí, chiến thuật ngày đêm bảo vệ vẹn toàn vùng lãnh hải của Tổ quốc.

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân - người đã có 41 năm phục vụ, chiến đấu trong bộ quân phục Hải quân nhớ như in câu chuyện từ năm 1996, khi ấy, ông lần đầu được đến Quần đảo Trường Sa.

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân trả lời giao lưu trong chương trình

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân trả lời giao lưu trong chương trình

“Ngày ấy, văn công là thứ quý hiếm trên các đảo. Chuyến nào có văn công cũng biểu diễn vào buổi tối. Tối hôm ấy, cả đơn vị được xem văn công, chỉ có 1 chiến sỹ duy nhất phải làm nhiệm vụ canh gác. Tôi có đề nghị được đổi vị trí để cho chiến sỹ ấy vào xem văn công biểu diễn vì ngày ấy ở đất liền dù sao văn nghệ cũng không thiếu thốn như ở đảo. Nhưng đồng chí ấy một mực từ chối. Một câu chuyện nhỏ thôi nhưng lại cho chúng ta thấy ý thức lớn về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ một phần máu thịt thiêng liêng của đất Mẹ” - Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện bồi hồi.

Nhiều món quà đã được lực lượng vũ trang các quân khu gửi tới CBCS và nhân dân Quần đảo Trường Sa

Nhiều món quà đã được lực lượng vũ trang các quân khu gửi tới CBCS và nhân dân Quần đảo Trường Sa

Thông qua phần giao lưu với những vị khách mời là những người đã may mắn được đến Trường Sa như ông Đỗ Trọng Nam, Chủ nhiệm UBKT Quận ủy Đống Đa, hay những người mới chỉ đến trong ý thức và tưởng tượng như Trung úy Nguyễn Phạm Thanh Tùng, Chính trị viên Đại đội 18 thông tin, Trung đoàn 692, Sư đoàn 301; cô giáo Phạm Thị Quyên, trường Mầm non Dịch Vọng Hậu có chồng đang công tác tại Trường Sa, các đại biểu dự chương trình giao lưu thấy toát lên một tinh thần, một ý chí sẵn sàng hy sinh, vượt qua khó khăn vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đời sống văn hóa, tinh thần của CBCS trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa đã được nâng lên

Đời sống văn hóa, tinh thần của CBCS trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa đã được nâng lên

Những năm qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô về vị trí vai trò chiến lược của biển, đảo nước ta; lan tỏa sâu rộng để thấy được những hy sinh, cống hiến, những khó khăn vất vả và tinh thần kiên cường vươn lên trong mọi hoàn cảnh, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo và Nhà giàn DK1. Từ đó thấy rõ trách nhiệm, hành động cụ thể của mỗi cá nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ biển, đảo Việt Nam.

Tháng 9 năm 2023, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị mở đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng tuyên truyền biển, đảo trong toàn bộ lực lượng vũ trang Thủ đô. 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã tổ chức giao lưu, tọa đàm với chủ đề “Hà Nội với Trường Sa và trách nhiệm của lực lượng vũ trang Thủ đô”.

Giao lưu văn nghệ trên đảo

Giao lưu văn nghệ trên đảo

Thông qua đó đã góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển, đảo chống phá cách mạng Việt Nam.

Phát biểu tại chương trình, Trung tướng Trần Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô khẳng định, bằng chương trình giao lưu hôm nay, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì Trường Sa” sâu rộng trong lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô.

Lưu luyến phút chia tay

Lưu luyến phút chia tay

Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của CBCS về vị trí, vai trò của biển, đảo quê hương; biết thấu hiểu, sẻ chia với những hy sinh, khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang công tác, làm nhiệm vụ nơi đảo xa.

Từ đó, làm chuyển biến nhận thức, hành động của mọi quân nhân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trên từng cương vị, chức trách được giao, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Thủ đô, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ năm 2009 đến năm 2023, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chủ trì tham mưu với thành phố tổ chức 13 Đoàn công tác với 1.130 đại biểu là lãnh đạo Thành phố các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và cán bộ, nhân dân Thủ đô đi thăm, động viên, tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1, đã hỗ trợ xây dựng công trình Nhà khách Thủ đô tại đảo Trường Sa Lớn và 10 Nhà văn hóa Đa năng tại các đảo Song Tử Tây, Tốc Tan B, Tiên Nữ, Len Đao, Đá Thị, Đá Đông A, Núi Le B, Thuyền Chài A, Đá Đông C, Đá Đông B với tổng trị giá 419,4 tỷ đồng; hỗ trợ đóng 3 xuồng CV, CQ trị giá 28,5 tỷ đồng; tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 trên 26,1 tỷ đồng, các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân 23 tỷ đồng; hỗ trợ Chương trình “Góp đá xây Trường Sa” hơn 873 triệu đồng; 50 tấn quà là các đặc sản truyền thống của các làng quê Thủ đô trị giá trên 30 tỷ đồng; nhiều trang bị phục vụ đời sống sinh hoạt và làm việc của bộ đội trên đảo và Nhà giàn DK1…