Khách quan - chủ quan

ANTĐ - Mọi chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, khi đề cập tới vấn đề quản lý giá cả thị trường, luôn nhấn mạnh “không được để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, cung vượt cầu”. Cuộc chiến chống lạm phát dường như càng trở nên gay go hơn, khi mà vào thời điểm quyết liệt, các cơ quan chức năng càng bị động, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý.

Các cơ quan chức năng chưa tìm ra công cụ hữu hiệu để kiểm soát giá cả một số mặt hàng thiết yếu. Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo về dự trữ lưu thông bắt buộc đối với 5 mặt hàng gạo, đường, thép, phân bón và thức ăn chăn nuôi, mức dự trữ phổ biến từ 3-12%. Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 169 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá. Theo đó, quy định sắp tới sẽ xử phạt 100% phần vượt mức quy định, tức là vượt 1 đồng sẽ phạt nộp ngân sách 1 đồng.

Theo Cục Quản lý giá, từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá. Thị trường đường, sữa cũng có nhiều biến động về giá. Xung quanh dự thảo của Bộ Công Thương đối với 5 mặt hàng thiết yếu đã có nhiều ý kiến trái chiều. Mục đích là nhằm đảm bảo cung cầu. Kịp thời, đầy đủ nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu khi có mất cân đối cung cầu đột biến, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; doanh nghiệp chủ động kiểm soát và hạn chế tăng giá bất hợp lý, phòng chống đầu cơ, găm hàng gây thiệt hại đối với lợi ích của người tiêu dùng.

Hiệp hội Phân bón, Hiệp hội Thép Việt Nam đều cho rằng, quy định giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường ít nhất 10% chỉ có lợi cho các công ty trung gian, không đến tay người tiêu dùng. Quy định giá bán thấp như vậy sẽ hình thành cơ chế xin - cho, dễ phát sinh tiêu cực trong khâu lưu thông phân phối, Nhà nước chịu thiệt mà người tiêu dùng không được hưởng.

Trong khi đó, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi và Hiệp hội Mía đường lại hoan nghênh dự thảo. Sau khi tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, Bộ Công Thương đã chỉnh sửa lại dự thảo cho phù hợp. Đến nay, số lượng mặt hàng phải dự trữ bắt buộc chỉ còn là 3: gạo, đường và phân bón. Tỷ lệ dự trữ đối với mỗi mặt hàng cũng điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, ý kiến của giới chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, các cơ quan chức năng nên sớm ngồi bàn với nhau về giá cả để tìm giải pháp kịp thời, nhanh nhạy, chứ không chờ đến khi thị trường diễn ra mới “phát hiện” nguyên nhân. Đơn cử như tình hình giá thịt lợn, giá con giống, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Cục Chăn nuôi, Bộ Tài chính có hẳn Cục Quản lý giá nhưng khó quy trách nhiệm cho ai. Bộ nào, cục nào cũng chỉ biết việc của mình, thiếu sự phối hợp để cùng vượt khó, kiềm chế lạm phát.

Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội khóa XII về các vấn đề liên quan đến giá cả, lạm phát, Bộ trưởng Tài chính thường nhắc nhiều đến nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan cũng có nhưng không phải là tác nhân chính gây ra lạm phát. Hy vọng, sau kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XIII này, các bộ trong Chính phủ mới sẽ phối hợp hoạt động đồng bộ, thống nhất hơn để những nguyên nhân chủ quan không trở thành nguyên nhân khách quan.