Jetstar Pacific “nợ chồng nợ” và tiến trình tìm nhà đầu tư mới để tái cơ cấu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, đang tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines. Sau khi nhận toàn bộ cổ phần từ Qantas tặng lại, Vietnam Airlines đang sở hữu khoảng 98% cổ phần của hãng hàng không này.

Tuy nhiên, hiện tại tình hình tài chính của Pacific Airlines, theo đánh giá của Vietnam Airlines, là "rất nghiêm trọng". Tại ĐHCĐ của Vietnam Airlines diễn ra sáng nay, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nhận định, đến tháng 6/2022, dòng tiền bị thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động.

Để duy trì hoạt động, hãng bay này dự kiến khai thác tối thiểu, tinh giản bộ máy, tận dụng nguồn lực chung với Vietnam Airlines Group để tiết kiệm chi phí...

Hãng bay Pacific Airlines ngập trong nợ lớn nguy cơ mất khả năng thanh toán

Hãng bay Pacific Airlines ngập trong nợ lớn nguy cơ mất khả năng thanh toán

Trong 10 năm qua, Pacific Airlines chỉ báo lãi trong 4 năm, gồm 2014-2015 và 2018-2019, lợi nhuận cao nhất chỉ hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, những năm báo lỗ, con số lên tới vài trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng. Đặc biệt trong giai đoạn hai năm ảnh hưởng bởi Covid-19, mức lỗ của hãng bay này còn tăng đột biến.

Đặc biệt, sau khi báo lỗ kỷ lục năm 2016, kết quả kinh doanh của Pacific Airlines dần khởi sắc. Doanh thu của hãng bay này từ mức gần 5.000 tỷ đồng năm 2016 tăng lên gần 6.900 tỷ trong năm 2017 và đạt đỉnh trong giai đoạn 2018-2019 với quy mô 8.000-9.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã cắt đứt dòng lãi của Jetstar Pacific. Hết năm 2020, Pacific Airlines có quy mô tổng tài sản hơn 6.600 tỷ, vốn chủ sở hữu âm hơn 2.275 tỷ đồng. Cộng thêm khoản lỗ năm 2021, vốn chủ sở hữu của hãng bay này có thể âm hơn 4.500 tỷ đồng.

Bức tranh tài chính kém tích cực có thể trở thành rào cản trong việc tìm đối tác tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines. Vietnam Airlines cho biết, quy trình lựa chọn nhà đầu tư hiện gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành với doanh nghiệp Nhà nước. Nếu việc tìm kiếm quá chậm hoặc không đạt được thoả thuận với nhà đầu tư, Vietnam Airlines sẽ gặp rủi ro.

Trước mắt, để gỡ vướng cho việc tái cơ cấu, Hội đồng quản trị Vietnam Airlines dự kiến trình cổ đông thông qua việc sửa đổi điều lệ tại phiên họp thường niên sắp tới. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ bổ sung một điều khoản về chuyển nhượng vốn ra ngoài Vietnam Airlines. Vietnam Airlines đang tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý.

Hãng hàng không Pacific Airlines được thành lập vào năm 1991 với các cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước. Năm 2007, Tập đoàn Qantas mua 30% cổ phần Pacific Airlines và hãng đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines. Đến năm 2012, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chuyển giao 68% vốn tại Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines.

Đến tháng 7/2020, Jetstar Pacific trở về tên khai sinh Pacific Airlines. Tháng 10/2020, Qantas Group thực hiện các thủ tục rút khỏi liên danh tại Pacific Airlines và chuyển giao lại 30% cổ phần của Qantas tại Pacific Airlines cho Vietnam Airlines theo hình thức tặng lại.

Quý 1/2022, Vietnam Airlines đã tiếp nhận toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Quantas Asia Investment Company (Singapore) Pre Limited tại Pacific Airlines tặng cho tổng công ty để triển khai việc tái cơ cấu và thoái vốn.