Israel có sai lầm khi 'chất' quá nhiều vũ khí lên tàu hộ vệ Sa'ar 4.5?

ANTD.VN - Tàu hộ vệ Sa'ar 4.5 của Israel có hỏa lực đáng gờm nhất trong số những chiến hạm nhỏ với lượng giãn nước chỉ 500 tấn. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là con tàu có thực sự cần số lượng vũ khí nhiều đến thế và có điểm nào "lợi bất cập hại"?

Tàu hộ vệ Sa'ar 4.5 của Hải quân Israel có thiết kế rất lạ mắt, lượng giãn nước đầy tải chưa tới 500 tấn, (nằm trong khoảng 488 - 498 tấn tùy phiên bản) với chiều dài 61,7 m; chiều rộng 6,7 m; mớn nước 2,8 m; thủy thủ đoàn 53 người.

Tàu được trang bị 4 động cơ diesel MTU 16V956 TB91 công suất 4.000 mã lực, cho tốc độ tối đa 34 hải lý/h, tầm hoạt động lớn nhất 4.800 hải lý nếu chạy ở vận tốc 19 hải lý/h, hoặc 2.200 hải lý (4.100 km) khi chạy với tốc độ 30 hải lý/h.

Hệ thống điện tử của tàu gồm radar cảnh giới đường không và bề mặt Neptune của Thales, radar điều khiển hỏa lực EL/M-2258 và EL/M-2221và tổ hợp thiết bị đối kháng điện tử do Elbit Systems chế tạo.

Dàn vũ khí trên tàu gồm 1 pháo Oto Breda cỡ 76,2 mm, 1 module pháo phòng không bắn nhanh Phalanx cỡ 20 mm, 4 tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon, 2 pháo tự động Oerlikon 20 mm và 2 súng máy hạng nặng M2HB 12,7 mm.

Bên cạnh khẩu pháo Oto Breda thì tàu hộ vệ lớp Sa'ar 4.5 còn được trang bị dàn phóng rocket gây nhiễu với cơ số rất lớn lên tới 72 quả đạn sẵn sàng khai hỏa.

Một số tàu Sa'ar 4.5 còn được nghiên cứu tích hợp cả 6 ống phóng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ đi kèm cụm thiết bị định vị thủy âm, khiến nó trở thành chiến hạm 500 tấn đa năng nhất thế giới.

Nhưng tham vọng của Israel chưa dừng lại ở đây, hải quân nước này vẫn muốn chiếc Sa'ar 4.5 mạnh hơn nữa, chính vì vậy mà họ đã thực hiện một gói nâng cấp rất đáng chú ý.

Sau nâng cấp, số lượng tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 mà Sa'ar 4.5 mang theo đã tăng gấp đôi lên thành 8 quả, đi kèm với đó là 32 tên lửa phòng không tầm ngắn Barak 1 bố trí trong các ống phóng thẳng đứng.

Bên cạnh dàn rocket mồi bẫy là sự xuất hiện của 2 container bệ phóng máy bay không người lái tự sát, điều này dẫn tới việc module Phalanx bị gỡ bỏ để nhường chỗ cho trạm điều khiển.

Vũ khí đánh gần của tàu vẫn còn lại với 2 pháo tự động Oerlikon 20 mm được điều khiển từ xa và 2 súng máy hạng nặng M2HB 12,7 mm nhằm bắn các mục tiêu ít giá trị.

Dễ nhận thấy sau nâng cấp, Sa'ar 4.5 đảm nhiệm tốt vai trò từ chống hạm, phòng không, tấn công mặt đất, trinh sát và thậm chí cả chống ngầm, nó rõ ràng là chiến hạm 500 tấn mạnh nhất thế giới vào thời điểm hiện tại.

Nhưng bên cạnh đó cũng có lo ngại rằng Israel đã sai lầm khi chất quá nhiều vũ khí lên một chiến hạm cỡ nhỏ, khiến nó dễ bị tổn thương trong trường hợp trúng đạn của đối phương.

Bài học với tuần dương hạm Moskva của Nga là một minh chứng rõ nhất, con tàu 12 nghìn tấn bị chìm quá dễ dàng sau khi trúng tên lửa chống hạm Neptune có đầu đạn khiêm tốn, chỉ vì quả đạn đã đánh trúng tên lửa P-1000 Vulkan khổng lồ bố trí ngay trên boong.

Kinh nghiệm của Hải quân Mỹ trong chiến tranh Thái Bình Dương cũng được nhắc tới, những con tàu của họ mang theo vũ khí không quá nhiều để lấy không gian tạo tiện nghi cho thủy thủ, cũng như tránh những sự cố đáng tiếc.

Thực tế cho thấy nhiều tàu chiến lớn của Mỹ đã bị hư hỏng rất nặng nề nhưng vẫn về được cảng, nếu không thể tái sử dụng thì cũng cứu mạng nhiều thủy thủ, điều này khó lòng xảy ra với chiếc Sa'ar 4.5 nếu nó bị trúng đạn.