Indonesia từ bỏ thương vụ mua tiêm kích Su-35S Nga, quay sang hàng Mỹ

ANTD.VN - Indonesia từ bỏ thương vụ mua tiêm kích Su-35S trị giá hơn 1,1 tỷ USD với Nga, chuyển sang lựa chọn máy bay F-15EX của Mỹ hoặc Rafale Pháp.

Indonesia từ bỏ thương vụ tiêm kích Su-35S trị giá hơn 1,1 tỷ USD với Nga, thông tin này được Tư lệnh không quân Indonesia Fadjar Prasetyo xác nhận hôm 22/12.

Ông cho biết nước này sẽ không xúc tiến kế hoạch mua tiêm kích Su-35S của Nga, đồng thời "cảm thấy lòng nặng trĩu" khi công bố thông tin với các phóng viên tại căn cứ Halim Perdanakusuma gần thủ đô Jakarta.

Tướng Prasetyo cũng cho biết thay vì mua Su-35S Nga thì nước này sẽ chuyển sang các dòng máy bay do phương Tây sản xuất.

Bộ Quốc phòng Indonesia đang xem xét phương án mua 2-3 trung đoàn tiêm kích hạng nặng F-15EX Mỹ.

Hoặc sẽ mua chiến đấu cơ đa năng Rafale do Pháp sản xuất. Được biết dòng chiến đấu cơ này mới được UAE đặt mua tới 80 chiếc.
Nếu chọn máy bay Mỹ, những chiếc F-15EX đầu tiên có thể được bàn giao cho Indonesia từ năm 2027.

Còn nếu chọn Rafale của Pháp thì thời gian bàn giao có thể sẽ chậm hơn đôi chút do Paris đang trong hợp đồng cung cấp cho UAE.

Nguyên nhân dẫn tới quyết định từ bỏ máy bay Nga không được công bố, nhưng giới chức Mỹ từng nhiều lần cảnh báo Indonesia sẽ phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt nếu mua vũ khí Nga.

Thông tin chính thức về việc từ bỏ mua máy bay Su-35 của Indonesia vẫn chưa được chính quyền Nga và Mỹ bình luận.

Việc mất khách hàng tiềm năng Indonesia một lần nữa "cứa" vào nỗi đau về việc sụt giảm vũ khí xuất khẩu của Nga.

Không quân Indonesia đang biên chế tiêm kích hạng nhẹ F-16C/D mua từ Mỹ.

Đáng chú ý Indonesia cũng đang biên chế cả tiêm kích hạng nặng Su-27, Su-30MK2 của Nga.

Jakarta đang tìm kiếm các dòng tiêm kích hiện đại để đáp ứng yêu cầu phòng thủ, nhưng hàng loạt vấn đề về ngân sách và yêu cầu khi đặt hàng khiến nỗ lực này liên tục bị đình trệ.

Nga và Indonesia hồi tháng 2/2018 nhất trí về thương vụ mua bán 11 tiêm kích Su-35S trị giá 1,14 tỷ USD, trong đó Jakarta sẽ thanh toán một phần bằng dầu cọ, cà phê và trà.
Tuy nhiên, đáng tiếc thương vụ mới dừng lại ở bản ghi nhớ và hai bên chưa tiến tới ký hợp đồng chính thức.
Mỹ từ lâu đã đe dọa trừng phạt các quốc gia đặt mua vũ khí hiện đại từ Nga theo Đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA).
Đạo luật này quy định bất cứ quốc gia nào tham gia các giao dịch trên 15 triệu USD với các nhà thầu quốc phòng thuộc nhà nước Nga đều phải hứng chịu lệnh trừng phạt từ chính quyền Mỹ.