Indonesia số hóa chuỗi cung ứng để giảm thất thoát lương thực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là quốc gia lớn thứ hai trên thế giới về lãng phí thực phẩm, Indonesia đang cải thiện quy trình số hóa chuỗi cung ứng để hỗ trợ an ninh lương thực trong tương lai.
eFishery, một kỳ lân của Indonesia do Gibran Huzaifah El Farizy thành lập, sử dụng các cảm biến IoT để ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản

eFishery, một kỳ lân của Indonesia do Gibran Huzaifah El Farizy thành lập, sử dụng các cảm biến IoT để ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản

Nạn thất thoát và lãng phí thực phẩm

Theo The Economist Intelligence Unit, thất thoát và lãng phí thực phẩm (FLW) ở Indonesia thuộc hàng cao nhất thế giới. Năm 2017, Indonesia được cho là quốc gia có mức thất thoát và lãng phí lương thực lớn thứ hai thế giới, với trung bình 300kg rác thải thực phẩm bình quân đầu người mỗi năm. Và, theo dữ liệu từ Cơ quan Kế hoạch Phát triển quốc gia

(Bappenas), FLW ở Indonesia dao động từ 23 đến 48 triệu tấn mỗi năm từ năm 2000 đến 2019. Thất thoát kinh tế do lãng phí thực phẩm có thể rất đáng kinh ngạc. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), năm 2012, thiệt hại do lãng phí thực phẩm trên thế giới ước tính lên tới 936 tỷ USD, cao hơn GDP của Indonesia và Hà Lan cộng lại.

Thông thường, thất thoát và lãng phí thực phẩm bắt nguồn từ 5 giai đoạn trong chuỗi cung ứng, đó là sản xuất, sau thu hoạch và bảo quản, chế biến và đóng gói, phân phối và thị trường, và tiêu dùng.

Nhóm quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập cao lại lãng phí thực phẩm ở những công đoạn khác nhau. Theo báo cáo của FAO năm 2011 có tiêu đề “Đánh giá lãng phí và thất thoát lương thực toàn cầu”, tình trạng thất thoát lương thực ở các nước đang phát triển thường xảy ra ở khâu sản xuất và bảo quản, nhất là đối với những mặt hàng dễ hỏng như trái cây và rau quả. Trong khi đó, ở các nước phát triển, lãng phí thực phẩm thường xảy ra ở cuối chuỗi cung ứng, ví dụ quá trình phân phối đến các nhà bán lẻ, hoặc thực phẩm dư thừa trong các hộ gia đình.

Tiến sĩ Sahara, Trưởng khoa Kinh tế, Khoa Kinh tế và Quản lý, Đại học Nông nghiệp Bogor (IPB) nhấn mạnh, thất thoát lương thực cũng xảy ra trong quá trình thương mại quốc tế, chẳng hạn như trường hợp xuất khẩu cá ngừ từ Indonesia. Bà nhận thấy khối lượng lớn cá ngừ xuất khẩu ra nước ngoài giai đoạn 2014 - 2020 bị từ chối nhập; trong đó 113.888 trường hợp từ phía Mỹ; 21.919 trường hợp từ Liên minh châu Âu và 4.661 từ Nhật Bản. Nguyên nhân do xuất khẩu không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế, ở các khía cạnh như thiếu cơ sở hạ tầng, thiệt hại sau thu hoạch và thiếu vệ sinh sản phẩm.

Mức thất thoát và lãng phí lương thực hàng năm ở Indonesia có thể lên tới 48 triệu tấn

Mức thất thoát và lãng phí lương thực hàng năm ở Indonesia có thể lên tới 48 triệu tấn

Kết hợp phương pháp hiện đại và truyền thống

Số hóa quy trình giám sát chuỗi cung ứng thực phẩm có thể là một cách hiệu quả để cải thiện độ chính xác của dữ liệu và ngăn ngừa thất thoát thêm thực phẩm. Indonesia có thể giảm thất thoát và lãng phí lương thực hàng năm lên tới 48 triệu tấn bằng cách số hóa chuỗi cung ứng và giám sát chất lượng thực phẩm bằng cảm biến internet vạn vật (IoT), cho phép truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua blockchain và cân bằng cung cầu bằng cách sử dụng dữ liệu.

Bà Sari Intan Kailaku, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Công nghiệp Nông nghiệp thuộc Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia (BRIN) và tại Cụm Blockchain, Robotics và AI Network (BRAIN) tại IPB, giải thích rằng các công nghệ kỹ thuật số như AI có thể được sử dụng để kiểm soát chất lượng của thức ăn. AI có thể xác định các mẫu, dự đoán cấu trúc phân tử của các hợp chất có hoạt tính sinh học và dự đoán thời hạn sử dụng của một mặt hàng. Công nghệ máy học cũng có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu về gene và trao đổi chất của thực phẩm nhằm phát triển các công thức nấu ăn cần thiết.

Bà Sari giải thích thêm, cảm biến Internet vạn vật (IoT) có thể được sử dụng để hợp lý hóa hoạt động hậu cần bằng cách chuyển tiếp dữ liệu về vận chuyển, nhiệt độ, độ ẩm hoặc ánh sáng trong quá trình phân phối trong mỗi chuỗi cung ứng. Việc sử dụng các cảm biến IoT dọc theo chuỗi cung ứng mặt hàng cá và tôm của eFishery, một công ty khởi nghiệp kỳ lân của Indonesia do Gibran Huzaifah El Farizy thành lập, có thể là bằng chứng rõ ràng nhất về công nghệ kỹ thuật số được sử dụng trong lĩnh vực hậu cần thực phẩm ở Indonesia.

eFishery nhằm mục đích cung cấp các giải pháp công nghệ nuôi trồng thủy sản với giá cả phải chăng để giúp nông dân giám sát trữ lượng cá hoặc tôm cũng như mực nước và thức ăn chăn nuôi để có thể tối ưu hóa chi phí vận hành. Một trong những giải pháp của eFishery, eFeeder là tối ưu hóa số ngày sản xuất và tăng sản lượng cá bằng cách giảm thời gian và chi phí lao động, đồng thời tăng khả năng dự đoán. Các giải pháp khác bao gồm eFarm, một phần mềm quản lý cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động cho nông dân và eFisheryku, nền tảng tất cả trong một cho nông dân và người tiêu dùng.

Bên cạnh việc số hóa chuỗi cung ứng, chất thải thực phẩm có thể được giảm thiểu thông qua các phương pháp chế biến khác nhau. Đơn cử, tại cơ sở xử lý và tái chế chất thải của tổ chức Waste4Change ở Đông Bekasi, Tây Java, chất thải được phân loại là hữu cơ và phi hữu cơ. Thức ăn thừa cùng lá cây và những thứ khác sẽ do ấu trùng ruồi lính đen xử lý giúp giảm khối lượng chất thải tại các bãi chôn lấp.

Những giải pháp này cho thấy rằng trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, các ý tưởng và giải pháp đổi mới, tận dụng các phương pháp truyền thống và công nghệ hiện đại, có thể kết hợp với nhau để giảm thiểu thất thoát và lãng phí thực phẩm một cách đáng kể.