Huỳnh Thạch Thảo - nhà văn mê đóng phim

ANTĐ - Khi mới đọc Huỳnh Thạch Thảo tôi cứ nghĩ đây là một cô gái, bởi dưới cái bút danh rất… “âm tính” là những tên truyện rất chi là... hoa lá cành. Nào là Mắt phượng, Những mùa hoa cỏ, Thuyền hoa, Gửi gió cho sông… 

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo trong một vai diễn điện ảnh

Không chỉ “hoa lá” ở những cái tít, mà còn chi chít trong từng câu văn kiểu Khi những cơn gió nam non đầu hạ đổ về làng cát thì những đám muống biển mọc cụm thành luống, thành dề đã bắt đầu trổ hoa. Trên từng doi cát trắng phau phau sắc hoa tím bật lên trong cái nắng hanh hao… Thế nên ngay cả khi biết Huỳnh Thạch Thảo không phải là… gái, tôi vẫn mường tượng tác giả này hẳn có giọng nói ỏn ẻn cùng thân hình ẻo lả.

Đinh ninh thế nên khi gặp Huỳnh Thạch Thảo tại Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ 6 (tháng 8-2001), tôi mới giật mình. Huỳnh Thạch Thảo là một nhà văn có vẻ đẹp rất đàn ông. Tôi bắt tay anh bằng câu nói đùa: “Nếu tôi là đàn bà tôi sẽ yêu anh ngay không một phút lăn tăn!”. Huỳnh Thạch Thảo cười đáp bằng giọng xứ Nẩu đặc sệt: “Ông kheng làm tui phái gơ (khoái ghê). Tui mời ông đi uống cà phơ, hát ka-ra-ô-kơ. Âu kơ?”. 

Trong mấy ngày hội nghị, Huỳnh Thạch Thảo trở thành hotboy, luôn được các nữ sĩ ba miền săn lùng. Một bữa, tôi và anh đang đi dạo thì một nữ sĩ được mệnh danh là hoa khôi của hội nghị đã ào đến làm quen: “Ôi, anh Huỳnh Thạch Thảo! Em đọc anh từ lâu mà đến hôm nay mới gặp. Thơ anh hay lắm!”. Nghe thế Huỳnh Thạch Thảo đỏ dừ mặt mũi. Từ thuở cầm bút nào anh đã viết một câu thơ! Tôi chữa ngượng cho anh: “Ai bảo anh đẹp trai quá làm gì! Này, văn anh đã hay rồi, giờ anh nên chuyển qua đóng phim đi, chớ để phí hoài nhan sắc!” Cứ tưởng anh em chỉ trêu đùa nhau cho vui, ai ngờ Huỳnh Thạch Thảo gật đầu cái bụp: “Tôi rất mơ xi nơ!” (Tôi rất mê xi-nê).

Bẵng đi một năm, một hôm anh điện thoại từ Phú Yên: “Tui đã đóng phim rồi đó. Phim nhựa đàng hoàng! Phim Những người lính biển bắt đầu phát trên VTV1, anh em ngoài đó nhớ xem nghe!”. 

Nghe thế tôi cười thầm và nghĩ, chắc là Huỳnh Thạch Thảo đùa thôi, chứ diễn viên điện ảnh học nát xương lòi tủy dăm bảy năm trời còn chửa ăn ai nữa là. Thế là quên béng. Đến khi giật mình nhớ ra thì phim đã phát sang tập thứ ba. Tôi đã căng mắt tìm suốt mấy tập phim còn lại chẳng thấy bóng dáng Huỳnh Thạch Thảo đâu. Quái lạ! Có hoá trang thế nào chăng nữa thì cũng nhận ra cái dáng cái hình chứ. Bèn bấm máy alô: “Tôi đang xem phim Những người lính biển, mà có thấy anh đâu?”, đầu dây đằng kia giọng Huỳnh Thạch Thảo như vọng lên từ một bờ biển sóng gió âm âm xa hút: “Tui... chết rồi!”. 

Tôi cáu quá bảo: “Này, anh phịa ra chuyện đóng phim để đùa với chúng tôi đấy hả?”, không thấy Huỳnh Thạch Thảo thanh minh gì.

Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 7 (2005), Huỳnh Thạch Thảo ra Hà Nội tìm tôi và vứt uỵch ra một lô ảnh chụp cảnh anh đang diễn xuất. Thì ra anh vào vai thuyền trưởng. Trong một chuyến đưa vũ khí vào miền Nam, con tàu không số bị lộ. Tàu chiến, máy bay địch bao vây quyết bắt sống con tàu. Thuyền trưởng đã ra lệnh cho thuỷ thủ rời tàu bơi vào bờ, còn mình ở lại điểm hoả khối thuốc nổ huỷ tàu để giữ bí mật cho đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Chuyện thì dài thế nhưng phần diễn xuất của Huỳnh Thạch Thảo chỉ có 2 đúp. Đúp 1 là đóng bộ đồ gabadin với mũ tai bèo, tạm biệt người yêu trên bãi biển, lên tàu. Đúp 2 là cảnh hủy tàu và... hy sinh! Tất tật chỉ xuất hiện trên màn hình được 3 phút 15 giây. 

 “Đóng phim cực lắm!”, Huỳnh Thạch Thảo phân trần. Biết cực sao còn nhận đóng? “Thì… tại trong kịch bản thấy phần vai của thuyền trưởng được đuổi bắt người yêu dưới rừng dương trong đêm trăng, được… hun người yêu là một diễn viên nữ cực xinh, thấy phơ quá (phê quá) nên tui mới nhận chớ! Ai dè khi quay đạo diễn cắt mất phần đuổi bắt, còn mỗi phần chia tay. Vậy mà phải tập riết, quay đi quay lại cả tháng trời, tốn bao thời gian công sức. Tui phải cắt mất bộ tóc dài rất đẹp, sụt mất mấy ký…”.

Tôi chân thành khuyên anh: “Nhà văn Việt Nam đóng phim thì nhiều, nhưng nổi tiếng chỉ mỗi cụ Kim Lân trong vai lão Hạc, còn thì… đến cụ Nguyễn Tuân cũng tham gia đóng mấy bộ phim mà có ai biết tới đâu. Sở trường của anh là văn học cơ mà”.

Chừng như nghe ra, Huỳnh Thạch Thảo gật gù: “Âu kơ, âu kơ!”(ok, ok!).

Cứ ngỡ Huỳnh Thạch Thảo đã an phận với văn chương, bởi từ đó đến nay thấy anh vẫn viết đều, đã in được 12 đầu sách và sưu tập được khá nhiều giải thưởng văn học lớn nhỏ. Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên. Thế mà vào Phú Yên lần này tôi vẫn thấy Huỳnh Thạch Thảo “ngoại tình” với nàng điện ảnh. Anh đang tham gia đóng một bộ phim truyền hình và phần diễn xuất của anh lần này chỉ vẻn vẹn 6 phút 16 giây! Thế nhưng anh say mê lắm. Dù ở tuổi 50 nhưng Huỳnh Thạch Thảo vẫn mang một vẻ đẹp rất đàn ông miền biển, phóng túng, phong trần với mái tóc phong sương bồng bềnh trên con thuyền rẽ sóng Ô Loan. “Đây là vai diễn thứ 11 của tui đó!”, Huỳnh Thạch Thảo tự hào khoe. 

Mấy ngày lang thang cùng đoàn làm phim, tôi thấy Huỳnh Thạch Thảo diễn xuất… cũng ngon, vậy mà không hiểu sao anh chưa nổi được về điện ảnh nhỉ? 

Nghe tôi thắc mắc vậy Huỳnh Thạch Thảo rầu rầu bảo: “Tui vì mơ xi nơ mà đóng phim vậy thôi chứ biết chắc chẳng bao giờ nổi tiếng được. Vì ở đất Phú Yên này có bao nhiêu duyên điện ảnh thì tay Thương Tín (diễn viên nổi tiếng trong phim Biệt động Sài Gòn) hắn cướp hết rồi”. 

Tôi bắt chước người xưa ngửa cổ lên trời than giùm anh: “Trời đã sinh ra Huỳnh Thạch Thảo sao còn sinh ra Thương Tín?!”. Nghe tôi tếu thế, Huỳnh Thạch Thảo cười chảy cả nước mắt nước mũi: “Ha ha ha!… Âu kơ, âu kơ!”.