Huy động 100 đồng chỉ cho vay được hơn 80 đồng, ngân hàng nhóm big4 tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Agribank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn. Việc liên tục giảm lãi suất diễn ra khi tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này vẫn âm trong 2 tháng đầu năm.

Theo cập nhật biểu lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) ngày 15/3, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn tại nhà băng này tiếp tục giảm.

Cụ thể, lãi suất huy động với khách hàng cá nhân kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,7%/năm xuống 1,6%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng giảm từ 2%/năm xuống 1,9%/năm;

Tại các kỳ hạn 6 – 11 tháng, lãi suất được giữ nguyên ở mức 3%/năm.

Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng cũng tiếp tục giảm 0,1 điểm %, từ 4,8%/năm xuống 4,7%năm; kỳ hạn 24 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,7%.

Agribank tiếp tục giảm lãi suất huy động

Agribank tiếp tục giảm lãi suất huy động

Như vậy, sau lần điều chỉnh này, lãi suất huy động của Agribank đã về thấp nhất so với nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Cụ thể, các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên của Agribank đã về mức tương đương với Vietcombank, các kỳ hạn dưới 6 tháng thậm chí còn thấp hơn 0,1 điểm %.

Còn so với VietinBank hay BIDV, lãi suất tiền gửi tại Agribank đang thấp hơn khoảng 0,1 - 0,3 điểm %, tùy từng kỳ hạn.

Với khách hàng tổ chức, Agribank cũng giảm 0,1 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn dưới 12 tháng , các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giữ nguyên ở mức 4,2%/năm.

Agribank hiện là ngân hàng có mạng lưới giao dịch và số lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất hệ thống (tổng huy động vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2023).

Lãi suất huy động của Agribank giảm liên tục trong bối cảnh tín dụng ngân hàng này đang tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm 2024. Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, tín dụng 2 tháng đầu năm của Agribank đang giảm mạnh hơn mức giảm bình quân của toàn hệ thống ngân hàng. Ngân hàng huy động 100 đồng tiền gửi thì chỉ cho vay ra được hơn 80 đồng, bất chấp lãi suất giảm sâu và ngân hàng đã đưa ra hàng loạt giải pháp để “kích” tín dụng.

Ngay từ đầu năm, ngân hàng này đã liên tiếp giảm lãi suất cho vay, triển khai nhiều giải pháp khuyến khích tăng tín dụng song chênh lệch thu chi của Agribank sau gần 3 tháng đầu năm 2024 vẫn giảm tới 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Chủ tịch Agribank, có nhiều nguyên nhân khiến tín dụng giật lùi, trong đó thứ nhất là do yếu tố mùa vụ đặc thù. Với khách hàng chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khách hàng đến vụ thu hoạch bán sản phẩm trả nợ ngân hàng, vay bán hàng phục vụ cho dịp Tết nguyên đán có tiền bán hàng trả nợ, thậm chí gửi tiền vào ngân hàng và chưa vào vụ gieo trồng nên chưa có nhu cầu về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên chưa có nhu cầu vay vốn.

Thứ hai, với sức cầu yếu cả trong và ngoài nước, người dân thận trọng, thắt chặt chi tiêu, ảnh hướng đến sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, từ đó tín dụng cũng không tăng trưởng được.

Thứ ba, đâu đó còn có nguyên nhân chủ quan từ ngân hàng thương mại, liên quan đến thủ tục cho vay thiếu cởi mở, mạnh dạn trong cho vay, hoặc yêu cầu về tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân trọng yếu.

Trong khi đó, dù lãi suất huy động giảm nhiều nhưng tiền gửi vẫn tiếp tục vào hệ thống ngân hàng nên vốn càng trở nên dư thừa, làm tăng chi phí trả lãi của ngân hàng thương mại.