Hủy diệt binh lính SDF, khủng bố IS trở mặt hay nỗi oan của Mỹ tại Syria

ANTD.VN - Trong dịp cuối năm khủng bố IS liên tục thực hiện các vụ tấn công nhằm vào đối thủ, đáng kể nhất là cuộc tấn công phá hủy nhà máy điện của Syria và cuộc tấn công nhắm thẳng vào lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đồng minh của Mỹ khiến hàng trăm người thương vong.

Trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, Mỹ là nước gây nên nhiều đồn đoán với cáo buộc dung túng thậm chí ngầm hỗ trợ khủng bố IS từ phía Nga-Syria. 

Mỹ triển khai lượng khí tài lớn cho cuộc chiến này, ngoài máy bay chiến thuật, Mỹ còn dùng cả máy bay ném bom chiến lược tấn công IS.

Không những vậy họ còn lần đầu tiên cho chiến đấu cơ F-22 thực chiến và tiêu diệt sở chỉ huy khủng bố IS ngay trong đêm đầu tiên xuất kích vào năm 2015.

Máy bay cường kích A-10 trở thành nỗi ác mộng cho phiến quân khủng bố trên chiến trường Syria.

Ngay cả các dòng trực thăng hiện đại Mỹ cũng bí mật được triển khai tới Syria.

Dù lúc đầu không chịu thừa nhận, nhưng cuối cùng Mỹ cũng cho biết họ đã triển khai cả lực lượng trên bộ tới chiến trường này.

Bên cạnh lực lượng không quân hải quân chủ yếu thực hiện các phi vụ ném bom và tấn công bằng tên lửa đối phương.

Ngay từ đầu Mỹ đã xác nhận sự tồn tại của chính quyền Tổng thống Assad sẽ khó có thể lập lại hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.

Vì vậy Mỹ đã ngầm huấn luyện và cung cấp một lượng lớn vũ khí cho quân đội Syria tự do (FSA), một trong hai lực lượng đối lập lớn nhất tại Syria.

Sự trợ giúp từ Mỹ và một số quốc gia đã biến FSA thành lực lượng đối trọng mạnh mẽ trước quân đội Syria (SAA) và cả khủng bố IS.

Tuy vậy thành phần hỗn tạp có sự xuất hiện của các tổ chức hồi giáo cực đoan khiến Mỹ dần rời bỏ FSA để phòng trừ hậu họa.

Đây có lẽ là một trong những lý do khiến Mỹ luôn bị cáo buộc là ngấm ngầm giúp đỡ IS qua ngả FSA để duy trì cuộc chiến có lợi cho Mỹ.

Khi được Mỹ cung cấp những vũ khí đặc biệt là tên lửa diệt tăng TOW, một số trận chiến FSA đã thua trước IS khiến lô vũ khí đặc biệt nguy hiểm này rơi vào tay phiến quân khủng bố.

Mặt khác sau thời gian đoàn kết ban đầu, dần dần FSA cho thấy là một tổ chức lớn nhưng lại thiếu sự thống nhất. Một số nhánh nhỏ trong FSA còn ngấm ngầm cung cấp vũ khí Mỹ chuyển giao trong đó có cả TOW cho IS.

Chính vì vậy khi tên lửa TOW xuất hiện trong tay khủng bố IS khiến hàng chục xe tăng Nga-Syria bị bắn cháy, các bên này liền cáo buộc Mỹ phải chịu một phần trách nhiệm trong vụ việc này.

Trước khi quyết định rời bỏ FSA, Mỹ cũng đã tạo ra một "sân sau" vững chắc cho mình qua việc dồn sức ủng hộ và xây dựng lực lượng SDF.

Chỉ trong một thời gian ngắn, SDF đã lớn mạnh và hiện trở thành lực lượng đối lập có sức mạnh lớn nhất tại Syria.

Quân số của lực lượng này lên tới gần trăm ngàn người được trang bị vũ khí hiện đại từ Mỹ và phương Tây.

Trong những tháng cuối năm khi quân đội Syria liên tục gặp trở ngại khi tấn công IS thì SDF lại giành được nhiều thắng lợi trước nhóm quân khủng bố này.

Có được những thắng lợi này một phần nhờ sự gia nhập của các binh sĩ người Kurd đặc biệt là các nữ binh sĩ vốn được coi là cơn ác mộng của IS. Chúng rất sợ khi đối đầu với nữ chiến binh, chúng có một niềm tin mù quáng rằng, nếu chết dưới tay người nữ thì sẽ không được lên thiên đàng.

Trong khi quân đội Syria phải căng mình đối phó với trên nhiều mặt trận, họ vừa chống khủng bố IS, HTS, vừa đối đầu với phiến quân FSA và SDF lẫn quân đội Israel tấn công bất chợt. Chính những điều này khiến quân đội Syria liên tiếp thua trận trong tháng 9 và đầu tháng 10-2017. 

Quân đội Syria chỉ thành công khi Nga tăng cường các cuộc không kích. Nga hiểu rằng chính quyền Syria còn thì lợi ích cốt lõi của Nga mới duy trì được.

Về phần SDF, sau khi họ vây khốn IS trong thành phố Raqqa. Mỹ đã bật đèn xanh để SDF cho phép IS được rút đi cùng gia đình khỏi thành phố trong 72 tiếng.

Phía SDF chỉ cho phép phiến quân khủng bố IS gốc Syria được rời khỏi thành phố, trong khi những phiến binh IS nước ngoài hoặc là đầu hàng hoặc là bị tiêu diệt.

Lý giải cho việc thỏa thuận này, Mỹ và SDF cho rằng trong thành phố còn hàng chục ngàn dân thường, với sự cố chấp và liều lĩnh tấn công cảm tử, IS sẽ gây nên thương vong cực lớn và phá hủy thành phố.

Trong khi Nga-Syria tin rằng, đây thực chất là sự thỏa hiệp và dung túng cho IS tồn tại trong khi chúng đã như "cá nằm trên thớt".

Nga cáo buộc rằng Mỹ đang cố tình kéo dài sự sống sót của IS cốt để làm suy yếu chính quyền của Tổng thống Assad. 

Trong cuộc chiến tại Syria, ngoài việc thỉnh thoảng tấn công vào đồng minh của nhau, thì Nga-Mỹ còn quyết chiến trên mặt trận truyền thông.

Mỹ cáo buộc Nga lợi dụng để tấn công vào các "nhóm đối lập ôn hòa" tại Syria.

Trong khi Nga thì cáo buộc ngược lại việc Mỹ liên tiếp tạo cớ để không kích thậm chí bắn rơi cả máy bay của quân đội Syria.

Trong việc chống khủng bố IS, Nga và Mỹ lại tỏ rõ hai lập trường đối nghịch nhau.

Với Nga là sự không khoan nhượng, họ không chấp nhận hòa đàm với IS dù dưới bất cứ hình thức nào.

Trong khi Mỹ lại luôn xem tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp mà họ cho đó là có lợi nhất.

Việc thả IS ra khỏi thành phố Raqqa dù giữ được thành phố không bị phá hủy, cũng như giữ cho mạng sống của hàng chục ngàn thường dân còn kẹt lại thành phố, nhưng họ cũng chấp nhận rủi ro một khi tàn binh IS vẫn còn sẽ quay lại tấn công bất cứ lúc nào.

Thực tế chứng minh, việc SDF giải phóng Raqqa tuy ác liệt nhưng họ cũng đã chỉ cần một chiến dịch là giải phóng hoàn toàn thành phố này, những ngày cuối cùng tràn vào tiếp quản thành phố lại khá an bình sau khi IS rút đi hầu hết.

Trong khi liên quân Nga-Syria phải tới hai chiến dịch liền nhau mới dứt được khủng bố IS ra khỏi tử thành Al-Bukamal.

Thậm chí tại từ thành Al-Bukamal lực lượng đặc nhiệm "Hổ Syria" chịu tổn thất nặng nề, có những trận đánh họ đã mất hàng trăm binh sĩ.

Thành phố Al-Bukamal gần như bị san bằng bình địa bởi không quân Nga và Syria kết hợp với các cuộc pháo kích dồn dập từ SAA.

Hiện IS đã không còn nắm giữ bất cứ một thành phố nào tại Syria, chúng chỉ còn lẩn trốn trong sa mạc và trong những vùng hẻo lánh chủ yếu tại tỉnh Deir Ezzor.

Tuy vậy chúng vẫn tung ra các cuộc tấn công nhắm vào các đối thủ và điều rủi ro Mỹ lo lắng ngày trước đã thành hiện thực khi tấn công SDF tại tỉnh Deir Ezzor.

Sau khi phóng tên lửa phá hủy nhà máy điện tại tỉnh Deir Ezzor gây nên tình trạng mất điện kéo dài.

Cuối chiều 31-12-2017, trang tin Amaq cho biết, một tay súng khủng bố IS người gốc Đức thực hiện một cuộc đánh bom liều chết dữ dội bằng xe bom tự sát vào lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn tại làng Al-Bahra thuộc tỉnh Deir Ezzor.

Theo trang Amaq của IS, cuộc tấn công khiến khoảng 20 binh sĩ SDF thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương.

Lực lượng SDF và các đơn vị dân quân người Kurd không bao giờ công bố những tổn thất hoặc công bố với số lượng rất thấp. Vì vậy giới quan sát cho rằng cuộc tấn công vừa qua đã gây ra thiệt hại không nhỏ.

Cuộc tấn công bằng xe đánh bom tự sát của IS là đòn đáp trả cuộc tiến chiếm làng Subhiya của lực lượng SDF trên vùng thung lũng bờ đông sông Euphrates thuộc tỉnh Deir Ezzor.

Những diễn biến đó cho thấy Mỹ không hẳn đã dung túng cho IS. Cả Mỹ và Nga đều có những bước đi chiến lược trong "bàn cờ thế Syria", họ sẽ tận dụng những thời cơ hiện tại để có những quyết sách hợp thời.

Tại chiến trường Syria sự giúp đỡ luôn gắn bó với những lợi ích cốt lõi đặc biệt với những cường quốc đang trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến này.