Hữu hình và vô hình

ANTĐ - Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 đã giảm tốc, tăng chậm lại sau khi tăng lên trong tháng 8 và tăng mạnh trong tháng 9. Nếu tháng 11, 12 tới, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước, khoảng 1%/tháng, thì CPI cả năm 2012 sẽ thấp hơn so với năm 2011 và đạt được mục tiêu đề ra cho cả năm nay là 7-8%. Dẫu vậy, đánh giá xu hướng thị trường cuối năm, Cục Quản lý giá cho rằng tình hình kinh tế-xã hội còn nhiều thách thức khó lường, tạo sức ép tăng giá hàng hóa thiết yếu.

Vì sao CPI tháng 10 tăng chậm lại? Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là tình hình vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn “sức mua giảm-tồn kho tăng-sản xuất giảm-nợ xấu tăng-tín dụng giảm”. Sức mua giảm, theo giới phân tích, là do thu nhập thấp và sức mua của dân cư tăng chậm. Một bộ phận dân cư thu nhập giảm còn do thiếu việc làm, thất nghiệp do doanh nghiệp, làng nghề ngừng hoạt động hoặc phá sản. Yếu tố không kém phần quan trọng là tâm lý chờ giảm giá nữa mới mua. Khi sức mua giảm thì tồn kho tăng, mặc dù tốc độ tăng tồn kho đã chậm lại nhưng vẫn còn rất cao. Khi tồn kho tăng mà càng sản xuất thì càng tăng tồn kho, dẫn đến tăng trưởng sản xuất càng suy giảm. Tăng trưởng GDP năm nay ước chỉ đạt 5,2%, không những thấp xa so với mục tiêu đề ra, mà còn là “đáy” từ năm 2000 đến nay.

Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa nhận, để xảy ra tình trạng CPI tháng 9 tăng cao, Chính phủ có phần chủ quan trong điều hành. Phân tích cụ thể về tình hình kiềm chế lạm phát, ông Bộ trưởng nhấn mạnh, phải theo dõi tình hình biến động giá. Tháng trước tăng 2,2%, sang tháng thứ 10 dư âm còn lại nên tăng lên 0,85% vẫn là mức cao. Vì vậy, từ nay đến cuối năm điều hành sao cho phải rất linh hoạt, đặc biệt là chính sách liên quan đến giá cả, nhất là ở nước ta “lạm phát tâm lý” rất quan trọng. Tất cả các cơ quan điều hành phải tăng cường quản lý giá, không để xảy ra như tháng 9 vừa qua.

Theo dự báo của Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, tình hình thiên tai bất ngờ của cơn bão số 8, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trong khi nhu cầu và sức mua tăng theo quy luật cuối năm cũng tạo nên áp lực tăng giá thị trường. Vì vậy, đối với các loại hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, Bộ Tài chính đề xuất các bộ, ngành cần chỉ đạo để giãn thời gian điều chỉnh giá một số mặt hàng và dịch vụ. Cụ thể là giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục, giá nước sạch sinh hoạt, giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá. Hơn thế, các cơ quan này phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá sâu sắc tác động của việc tăng giá đến sản xuất và đời sống nhân dân, hạn chế thấp nhất tác động xấu. Riêng với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành giá theo đúng quy định tại Nghị định 84/CP. Kiểm tra sát sao các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, đảm bảo không được để thiếu nguồn, không để xảy ra đầu cơ, găm hàng.

Biện pháp đề ra rất nhiều, vấn đề là phải tập trung thực hiện sao cho hiệu quả. Vẫn còn đó cái vòng luẩn quẩn “tăng trưởng-lạm phát-thắt chặt-suy giảm-nới lỏng-lạm phát”. Để thoát khỏi cái vòng này, đòi hỏi sự điều hành đồng bộ, linh hoạt. Kết hợp chặt chẽ giữa bàn tay hữu hình (quản lý của Nhà nước) với bàn tay vô hình (thị trường).