Hướng về cội nguồn yêu nước

(ANTĐ) -“Đất nước này là đất nước của 54 dân tộc anh em, được gắn kết với nhau qua bao nhiêu thăng trầm, một đất nước mà ở đó cuộc sống diễn ra rất giản dị, rất thân thiện, chẳng mong gì hơn là cơm no áo ấm và hòa bình. Thế nhưng trong hàng nghìn năm nay, dân tộc ấy buộc phải đương đầu với những thử thách khốc liệt và cái làm cho dân tộc ấy có sức mạnh chống lại các cuộc xâm lược chính là nền tảng của hệ giá trị Việt Nam hay còn gọi là Diên Hồng văn hóa” - nhà văn Nguyễn Khắc Phục - tác giả kịch bản lễ hội Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã nói về thông điệp của lễ hội lần đầu tiên được tổ chức và cũng sẽ là lễ hội được tổ chức thường niên.

Lễ hội Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam:

Hướng về cội nguồn yêu nước

(ANTĐ) -“Đất nước này là đất nước của 54 dân tộc anh em, được gắn kết với nhau qua bao nhiêu thăng trầm, một đất nước mà ở đó cuộc sống diễn ra rất giản dị, rất thân thiện, chẳng mong gì hơn là cơm no áo ấm và hòa bình. Thế nhưng trong hàng nghìn năm nay, dân tộc ấy buộc phải đương đầu với những thử thách khốc liệt và cái làm cho dân tộc ấy có sức mạnh chống lại các cuộc xâm lược chính là nền tảng của hệ giá trị Việt Nam hay còn gọi là Diên Hồng văn hóa” - nhà văn Nguyễn Khắc Phục - tác giả kịch bản lễ hội Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã nói về thông điệp của lễ hội lần đầu tiên được tổ chức và cũng sẽ là lễ hội được tổ chức thường niên.

Sân khấu của lễ hội sẽ được thiết kế trên một ngọn đồi rộng với không gian văn hóa của khắp mọi miền đất nước

Sân khấu của lễ hội sẽ được thiết kế trên một ngọn đồi rộng với không gian văn hóa của khắp mọi miền đất nước

Lễ hội Diên Hồng văn hóa

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết, Hội nghị Diên Hồng thời Trần đã trở thành biểu tượng mạnh mẽ và sinh động của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Và lễ hội “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” thực chất cũng là một “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa”. ở đó có 54 dân tộc nhưng chưa bao giờ xảy ra sự kỳ thị, ở đó có người miền xuôi và miền ngược - một cách gọi mà nó thể hiện rằng không có ranh giới giữa các sắc tộc mà chỉ là địa hình cư trú.

Chính vì thế khi đi trên đất nước Việt Nam bất kỳ ở đâu ta cũng có cảm giác như gặp ruột thịt của mình. Đó chính là cội nguồn yêu nước, đó chính là những giá trị liên kết chúng ta lại. Cái gọi là Diên Hồng thực chất là sự liên kết một cách tự nhiên và ruột thịt các dân tộc anh em và chính đó là giá đỡ cho lòng yêu nước. Lễ hội “Diên Hồng văn hóa” muốn nói đến cảm hứng yêu nước, cảm hứng trữ tình và cảm hứng văn hóa mà xét cho cùng đó là cảm hứng mà nhân loại hướng tới, cảm hứng mà ở đó con người được tôn trọng, và họ có  quyền được tôn trọng.

“Việt Nam Tổ quốc mến yêu”

Đó là tên bản hợp xướng lớn sẽ được trình diễn trong đêm công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Được biết, tên bản hợp xướng “Việt Nam Tổ quốc mến yêu” là do chính Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đặt bởi điều ông quan tâm không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà phải làm sao truyền được cảm hứng yêu nước tới toàn thể những người tham gia lễ hội.

Ý tưởng đó đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn Nguyễn Khắc Phục cũng như nhạc sĩ Trọng Đài - Tổng đạo diễn chương trình. Và từ đó một bản hợp xướng mang âm hưởng của lòng yêu nước, của nguồn cội và sự quật khởi được ra đời. Bản hợp xướng gồm 3 chương: 1-Cội nguồn, 2-Tình yêu và thử thách, 3-Việt Nam Tổ quốc mến yêu được thực hiện bởi tập thể các nghệ sĩ của các nhà hát ở Hà Nội.

Bản hợp xướng được soạn có cả phần lời cho hợp xướng và phần lời là dành cho những áng thiên hùng văn bất hủ của các danh nhân và các bậc tiền nhân. Theo nhạc sĩ Trọng Đài thì chúng ta đều là con dân nước Việt, đều gánh trên vai sứ mệnh lịch sử, chính vì vậy tinh thần của bản hợp xướng là thể hiện khát vọng yêu nước.

Sân khấu hình chữ S

Lễ hội Diên Hồng văn hóa sẽ được diễn ra trên mỏm đồi A2 và sẽ tái tạo lại khung cảnh thiên nhiên của giang sơn gấm vóc. ở nơi đây sẽ hiện lên ngọn hải đăng Tổ quốc với hình ảnh của biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, có tháp Quốc kỳ với 4 chữ “Tổ quốc Việt Nam”. ở nơi đây cũng có những thửa ruộng bậc thang, có rừng cọ đồi chè, có mái nhà rông, có mái đình cây đa, khung cảnh rẻo cao, có chùa Khơ Me, có đỉnh núi phía Bắc với cột cờ Lũng Cú...

Phía dưới chân đồi với diện tích 1.200m2 sẽ là những không gian văn hóa như vùng núi phía Bắc (Tây Bắc, Việt Bắc); Hà Nội - trung du - đồng bằng Bắc bộ; Trường Sơn, Tây Nguyên; Huế - miền Trung và duyên hải; thành phố Hồ Chí Minh - đồng bằng Cửu Long - mũi Cà Mau. Sân khấu được thiết kế như là một biểu tượng hình chữ S và nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em sẽ trải dài theo hình chữ S đó với điểm bắt đầu là ở Lũng Cú - Hà Giang và kết thúc ở hòn Phụ Tử - Kiên Giang.

Lễ hội Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây) từ ngày 13 đến 20-4 với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc của các dân tộc Việt Nam như triển lãm, liên hoan văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian, thể thao dân tộc... Điểm nhấn của lễ hội là lễ khai mạc (ngày 18-4) và hội nghị nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân, các nhà khoa học. Lễ công bố Quyết định 1668QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được diễn ra vào tối 19-4 với không gian văn hóa của cả nước. Đêm nghệ thuật với sự tham gia của 1.500 diễn viên sẽ tái hiện hình ảnh 4 hình tượng lịch sử: Vua Hùng, Anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, Đại thi hào Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh. 3 MC của chương trình là một ông già đẹp lão mặc đồ bô lão miền Bắc, một chàng trai Thái mặc trang phục truyền thống và một cô gái Sài Gòn mặc áo bà ba. Kết thúc đêm nghệ thuật sẽ có màn bắn pháo hoa. Lễ công bố quyết định và đêm nghệ thuật sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 vào tối 19-4.

Trên dải đất nước hình chữ S thân thương, chúng ta sẽ tìm thấy cuộc sống của các đồng bào  Mông, Dao, Tày, Nùng, Thái.... Chúng ta sẽ tìm thấy một điệu xòe Thái, một câu quan họ, một tiếng khèn, một điệu múa Khơ me và cả vũ điệu sôi động của vùng cao Tây Nguyên.

Chúng ta sẽ được tận mắt chứng kiến đồng bào Dao mang nồi nấu thắng cố về nổi lửa ngay dưới sân nhà sàn Tây Bắc. Mọi người tham gia lễ hội, du khách nước ngoài sẽ cùng nhau uống rượu Sán Lùng, ăn thắng cố và nghe người lớn, trẻ con nói chuyện.

Ở một góc khác của sân khấu chúng ta sẽ tìm thấy người Thái dệt cửi, người Mường kể chuyện “Đẻ đất đẻ nước”, các nghệ nhân Chàm của Bình Thuận sẽ nặn gốm Bàu Trúc, nghệ nhân Tây Nguyên thì đẽo tượng nhà mồ, còn đồng bào Nam bộ  hát đờn ca tài tử...

 Ngày hội các dân tộc Việt Nam sẽ là biểu tượng của tinh thần đoàn kết và sự kết tinh các màu sắc văn hóa, nền tảng văn hóa của 54 dân tộc anh em. Và theo nhà văn Nguyễn Khắc Phục thì giây phút thiêng liêng nhất của lễ hội đó là 54 dân tộc anh em sẽ tụ hội trong ngôi nhà của mẹ Tổ quốc và nhìn thấy đất nước mến yêu của mình.

Đinh Kiều Nguyên