Hồn Quê trong lòng Phố

(ANTĐ) - Tôi là con gái nhà quê ra thành phố đã lâu. Mùi của phố phường đã ngấm đến nỗi tôi tưởng mình được sinh ra và lớn lên ở nơi này. Thế nhưng cuộc đời vẫn thường dành cho người ta những khoảng lặng để bất chợt nhận ra mình không phải là mình.

Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Hồn Quê trong lòng Phố

(ANTĐ) - Tôi là con gái nhà quê ra thành phố đã lâu. Mùi của phố phường đã ngấm đến nỗi tôi tưởng mình được sinh ra và lớn lên ở nơi này. Thế nhưng cuộc đời vẫn thường dành cho người ta những khoảng lặng để bất chợt nhận ra mình không phải là mình.

Cổng làng Thụy Khuê
Cổng làng Thụy Khuê

Tôi, vào khoảnh khắc của sự trải nghiệm kỳ lạ ấy, may mắn tìm ra có một dấu lặng vẫn âm ỉ sống. Để rồi, chỉ đợi một tiếng rung ngân, một giọt nắng hay trong veo chấm sương mai chạm tới là cả khoảng trời lưu dấu hồn quê lại thao thiết gọi.

Tôi lang thang theo dấu tiếng chim hiếm hoi cất lên khi âm thanh nhộn nhịp náo động của ngày mới còn được cất sâu sau tấm màn đêm lúc bình minh chưa thức giấc. Chỉ thoáng nhìn thấy bụi cỏ dại còn sót lại ven đường, lòng tôi cũng se lại khi nhớ những bước chân trần trên cánh đồng thơ ấu. Có lúc tôi bị thôi miên bởi hương bồ kết quện với mùi sả thơm và hương nhu lẩn sau mái tóc của ai đó qua đường. Tôi cứ mường tượng và hình dung, đằng sau mái tóc thơm bồ kết ấy là một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế thuần khiết dịu dàng.

Ai hay, nhiều lắm những khi tôi phải loay hoay tìm một góc khuất giấu mảnh hồn quê để thấy mình không lạc bước giữa phố phường. Mùa nối mùa đi qua và mảnh hồn quê trong ngăn trái tim tôi có lúc khép lại dần. Cho đến một ngày tôi lạc bước đứng trước cổng làng Thụy Khuê để bất chợt cả một dòng ký ức như con sông đang mùa nước cuồn cuộn chảy về...

Làng tôi, một làng nhỏ vùng ven sông Hồng theo lời của ngoại, chỉ toàn nhà nghèo, chẳng có ai làm quan hiển đạt nhưng cả làng vẫn góp công, góp của dựng một cái cổng đàng hoàng cốt sao không thua kém làng bên. Ngày ngày lũ trẻ tụ tập chơi đủ trò từ nhảy dây, đánh đáo, ô ăn quan đến trốn tìm rồi chiến tranh bùng nổ. Trò chơi ở cổng làng đôi khi còn chở che những đứa trẻ nghèo đợi mẹ về sau mỗi buổi chợ phiên gánh rau, mớ củi đã vơi, thay vào đó là mẻ ngô, củ sắn qua bữa ngày giáp hạt. Chiều chiều những người đánh dậm trở về mang mớ tôm, mớ cá, rổ ốc đem ra cổng làng bán nên cái khoảng không gian nhỏ ấy lúc nào cũng rôm rả tiếng trò chuyện, chào mời.

Bước qua cổng làng, con đường gạch Bát Tràng xây nghiêng là trục chính dẫn tới các ngõ nhỏ bằng đường đất sẽ tới những ngôi nhà mái lá của chúng tôi. Nhiều năm sau đó tôi vẫn nhớ như in ngày tôi mang một chiếc bánh giòn tan có hình số tám, chạy từ đầu làng đến cuối làng chia cho mỗi đứa một mẩu bé tí teo rồi nhìn nhau hấp háy: “Bánh bố tao mua từ Hà Nội về đấy, ngon không?”. Mãi sau này tôi và lũ nhóc mới biết đó là bánh quẩy.

Chả là sau giải phóng Miền Nam, bố tôi ra Bắc đóng quân ở Hà Nội. Chiều thứ bảy nào bố cũng đạp xe mấy chục cây số về với mẹ con tôi. Bố muốn bù đắp cho mẹ khoảng thời gian biền biệt xa nhà. Và bố chiều tôi cùng lũ nhóc bằng cách dành đồng lương ít ỏi mua khi gói kẹo, lúc chiếc bánh mì thơm phức. Bố còn loay hoay đóng một thùng xốp nhỏ, quấn chăn xung quanh rồi xếp hàng mua chục kem Tràng Tiền hối hả mang về. Chúng tôi ngóng ở ngay đầu làng, que kem hôm nào về đến nơi cũng đã ngót mất quá nửa nhưng ánh mắt bố thì vô cùng mãn nguyện nhìn gương mặt sáng bừng của lũ nhóc. Trong ấm áp niềm vui ngày ấy, cổng làng với chúng tôi cao thấp cũng chỉ là nơi ghi dấu những khoảnh khắc yêu thương.

Nhớ về quê, tôi lại tìm đến làng cổ Thụy Khuê xưa mà bây giờ đã thay tên thành phố. Trong tiềm thức của nhiều người, Hà Nội xưa vẫn giống như một cái “làng” lớn được tạo thành bởi rất nhiều cái làng nhỏ. Và, Thụy Khuê, nhắc đến, trong nếp cũ, người ta lại nghĩ ngay tới cả một vùng Kẻ Bưởi. Nơi ấy có nghề dệt vải và nghề nấu rượu có hương sen nổi tiếng. Rượu ngon đến mức đã tạc lại trong nhân gian bóng dáng vị phật say kỳ lạ chùa Thụy qua thơ vịnh bất hủ của Trạng Quỳnh: “Ông đứng làm chi đứng mãi đây/ Chập chờn như tỉnh lại như say/ Vãi nào đã chuốc cho ông rượu/ Còn rượu cho vay một nậu đầy…”.

Theo sử sách, trước đây, hầu như làng nào của Kẻ Bưởi cũng có cổng làng. Thậm chí, một làng có đến mấy cổng. Ngoài tên cổng làng được ghi, nhiều cổng làng còn có thêm câu đối hai bên. Bây giờ,  trên  phố Thụy Khuê, đoạn gần chợ Bưởi vắt qua phố Lạc Long Quân vẫn là nơi giữ được nhiều cổng làng nhất. Chỉ cần bước qua cổng làng, men theo các con ngõ nhỏ là bước chân lạc ngay ra phía  Hồ Tây lộng gió… Mặc cho nhộn nhịp tiếng còi xe, ồn ào tiếng động cơ cả ngày lẫn đêm hiếm khi ngừng nghỉ, mỗi cổng làng với tên gọi cổng Hầu, cổng Xanh, cổng Giếng… vẫn cứ đứng trầm ngâm phơi cùng tuế nguyệt.

Đặt bước vào sau cánh cổng làng, lần theo câu ca dao từng tạc vào văn chương và dân gian Việt Nam tôi đã có thể mường tượng về một vùng Tây Hồ với một khoảng làng quê yên ả bao bọc lấy kinh thành xưa nổi tiếng cùng nghề giấy dó. Một nghề không chỉ riêng của mảnh đất nơi này nhưng cũng chỉ ở đây, tiếng chày gõ nhịp vào ngày mới trong bảng lảng sương mới đủ sức làm xao động mặt hồ, lay động tâm hồn Việt, đặc biệt là với người xa xứ.

Vậy đó, dù thời gian từng thò bàn tay lấy dần đi những thiết chế cùng những dấu tích xưa của đất và người nhưng may thay, cổng làng, như một minh chứng trường tồn của nếp văn hóa xưa thì vẫn trang nghiêm đứng đó. Và dẫu tên làng đã thay bằng tên phố, thì trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người khi cúi mặt đứng trước cổng làng vẫn vẹn nguyên sự thành kính với dấu cũ nếp xưa.

Ngọc Bảo