Thí sinh kiểm tra thông tin trước khi vào phòng thi
Lo nhất thí sinh nhầm giờ thi
Với nhiều đổi mới, khâu phổ biến quy chế thi được các hội đồng thi đặc biệt quan tâm và được triển khai tới tất cả giám thị, thí sinh trước ngày thi. Bà Cao Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, Hà Nội cho biết, điều các thầy cô lo ngại nhất là thí sinh chậm, muộn hay nhầm lẫn giờ thi do có tới 8 môn thi trong kỳ thi lần này. “Trong buổi học quy chế thi ngày 1-6, vẫn lác đác một số học sinh đến muộn. Chúng tôi đã nhắc cụ thể từng trường hợp và có phương án đề phòng với những học sinh đến muộn để có những hỗ trợ kịp thời nhất” – bà Cao Thanh Nga cho biết. Về vấn đề khúc mắc giờ thi ca 1, ca 2, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, phần mềm in phiếu báo thi cho học sinh đã in rất rõ lịch thi của các em, phòng thi ở đâu, thời gian thi như thế nào để các em chủ động.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội băn khoăn, học sinh năm nay dự thi tốt nghiệp trong tâm lý thoải mái nhưng cũng chính vì vậy sẽ nảy sinh chủ quan, dễ dẫn đến thái độ thiếu nghiêm túc trong lúc làm bài thi. “Giám thị phải lưu ý, tăng cường kỷ luật trường thi. Trước đây học sinh lo lắng làm sao để thi đỗ, nhưng nay sự lo lắng này bớt đi, nên phải lưu ý coi thi thật nghiêm túc, nhắc nhở học sinh tập trung làm bài...” – ông Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các Chủ tịch Hội đồng coi thi toàn thành phố.
Đề thi không nặng về nhớ máy móc
Ông Mai Văn Trinh cho biết, kỳ thi lần này, điều khiến phụ huynh, giáo viên, học sinh quan tâm nhất là đề thi. Về nguyên tắc, đề thi sẽ phù hợp với thời gian làm bài của môn thi và đặc biệt phù hợp với mục tiêu kỳ thi, làm sao đảm bảo độ tin cậy đánh giá được mức độ của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đề thi năm nay có điểm mới ở 2 môn: Môn Ngữ văn có phần đọc hiểu, Ngoại ngữ có thi viết. Tuy nhiên, sự đổi mới này là có lộ trình, học sinh đã được hướng dẫn, được giáo viên ôn tập. Phần câu hỏi mở đã được thực hiện nhiều năm nay trong kỳ thi tốt nghiệp cũng như thi đại học. “Các em học sinh hãy tự tin. Thậm chí, các em còn có thuận lợi hơn ở chỗ năm nay, đề không yêu cầu nặng về việc phải nhớ máy móc sự kiện, kiến thức có sẵn mà các em có thể vận dụng linh hoạt kiến thức để giải quyết vấn đề” – ông Mai Văn Trinh khẳng định.
Một điểm nữa được ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh là bên cạnh việc tổ chức chặt chẽ khâu thi và coi thi thì việc quản lý điểm trung bình lớp 12 cũng được đặc biệt quan tâm vì chiếm 50% kết quả xét tốt nghiệp THPT của thí sinh. “Qua kiểm tra chúng tôi thấy các sở rất chủ động đưa ra các giải pháp quản lý để đảm bảo tính khách quan, đặc biệt là phòng ngừa các hiện tượng “phóng điểm”. Hiện phần lớn các trường đã sử dụng phần mềm quản lý điểm, rất thuận lợi trong quản lý. Tuy nhiên, Bộ cũng yêu cầu các cơ sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt ở đây cũng phát huy vai trò giám sát của học sinh để làm sao công tác quản lý chặt chẽ. Chẳng hạn, mới đây, ở trường THPT Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, có hiện tượng nâng điểm ở kỳ thi giữa kỳ, đã bị học sinh, phụ huynh phản ánh“ – ông Mai Văn Trinh chia sẻ.
Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Theo đó, việc tiếp nhận các thông tin phản ánh về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 trên địa bàn thành phố sẽ qua số máy 0162.8290.395. Không chỉ tiếp nhận, qua số máy này, các thông tin trong những ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp cũng được xử lý kịp thời. Được biết, chiều 31-5, Sở GD-ĐT Hà Nội đã hoàn thành việc giao giấy thi, giấy nháp, phiếu trả lời trắc nghiệm, túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm, phong bì đựng đề thi thừa… đến 149 hội đồng coi thi trên địa bàn thành phố. Các hội đồng coi thi phải sử dụng thống nhất một loại giấy thi, giấy nháp và một màu mực, phấn. Các trường là địa điểm thi phải ngừng mọi hoạt động trong 4 ngày, từ mùng 1 đến 4-6.