Hơn 200.000 doanh nghiệp sẽ được xúc tiến “thương mại số”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại sẽ kết nối doanh nghiệp với thị trường một cách linh hoạt và kịp thời.
Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số

Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030”.

Theo đó, đến năm 2025, xây dựng, hình thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại số với 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin.

Cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hình thành, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm;

25% các dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối, hỗ trợ 100.000 lượt doanh nghiệp và 25% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số;

100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và bảo đảm an toàn thông tin.

Đồng thời, 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với hệ sinh thái xúc tiến thương mại số;

100% thủ tục hành chính lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia với 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 với việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số ở mức độ cao hơn đối với hoạt động xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời thông tin, giao thương thuận tiện với đối tác trong và ngoài nước ngay cả trong tình huống bất khả kháng như dịch bệnh.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối năm 2019 đến nay nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn thu được kết quả khả quan. Kết quả này có được do hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức thường xuyên, liên tục qua môi trường số.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, từ năm 2020 đến nay, Bộ này đã trực tiếp triển khai và hướng dẫn, phối hợp các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước, hàng triệu phiên giao thương trực tuyến, hỗ trợ hàng triệu lượt lượt doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại trực tuyến.

Bên cạnh đó, việc tham gia hoặc tổ chức các hội chợ, triển lãm trong nước quốc tế cũng được Bộ Công thương tổ chức trên môi trường số. Kết quả là hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số (trực tuyến) đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trương, khách hàng tiềm năng.