Hội tụ tinh hoa di sản nghìn năm trong chương trình “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các di sản nghìn năm của cha ông với những điểm nổi bật đã được thể hiện và đan cài một cách khéo léo trên sân khấu, trong chương trình “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, Kỷ niệm 20 năm thực hiện công ước 2003 của UNESCO về bảo tồn di sản, liên hoan thực hành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, vừa được tổ chức trang trọng tại quảng trường Hùng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Chương trình do nhà biên kịch Lê Thế Song làm tổng đạo diễn đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả.

Với thời lượng chỉ hơn 70 phút nghệ thuật, chương trình đã giới thiệu về di sản Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam. Mỗi di sản được khắc họa khéo léo, nhấn mạnh những giá trị tinh hoa và giá trị cốt lõi của các di sản.

Một cảnh trong chương trình

Một cảnh trong chương trình

Bên cạnh đó, các lời bình đã chạm đến trái tim của khán giả. Đặc biệt, tại chương trình nghệ thuật này, tổng đạo diễn đã sử dụng lối văn biền ngẫu cho phần lời bình. Đây là một cách làm mới bởi lối văn biền ngẫu với những câu văn có các vế sóng đôi đối nhau từng cặp làm nổi bật các di sản: “Những thanh âm như tiếng lòng rạo rực/Buông vào mây bỗng hóa chiếc cầu vồng/Tiếng đàn trời cây đàn tính ngàn năm/Hòa lời Then bay lên miền di sản” hay “Xuân về lễ hội hoa ban/Tiếng khèn tiếng pí rộn ràng trống chiêng/Tay thon thả dáng nghiên nghiêng/ Xòe hoa múa Thái lung liêng mắt cười”….

Hơn thế, cách làm của đạo diễn Lê Thế Song không đi theo lối giới thiệu lần lượt các di sản mà các di sản được liền mạch liên tục, không có khoảng trống. Chính sự liên tục ấy cũng thể hiện sự đan xen, giao thoa, sự giàu có và phong phú về văn hóa cũng như các di sản của các vùng miền tại Việt Nam.

Bằng ngôn ngữ múa và nghệ thuật gốc của di sản do chính các nghệ nhân thể hiện, đạo diễn đã đưa người xem đi từ Bắc vào Nam để đắm mình vào không gian của các di sản, do các nghệ nhân đến từ các tỉnh có di sản gốc thể hiện. 12 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh được kết nối khéo léo, đặc biệt làm nổi bật giá trị các di sản văn hóa của Việt Nam, niềm tự hào của người dân Việt: Hát Xoan, hát Then, Ca Trù, nghệ thuật xòe Thái, dân ca quan họ Bắc Ninh, Dân ca Ví- Giặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, nghệ thuật Bài Chòi, đờn ca tài tử, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên….

Đạo diễn Lê Thế Song

Đạo diễn Lê Thế Song

Các trình thức di sản được biểu diễn xuyên suốt trên sân khấu, kết hợp hiệu ứng của thiết kế sân khấu ba chiều, hình ảnh đồ họa 3D, hiệu ứng ánh sáng với công nghệ hiện đại, âm nhạc được hòa âm phối khí tinh tế… làm tôn lên những giá trị của mỗi di sản.

Sự chau chuốt của ê kip đã đem đến cho người xem một chương trình mãn nhãn bởi tổng hòa từ trang phục, âm nhạc, đạo cụ kết hợp với đồ họa vi tính, thể hiện rõ nét và đầy đủ một cách hoàn chỉnh những nét đẹp và tinh hoa của mỗi di sản.

"Đây là một chương trình thể hiện các trình thức di sản Việt Nam một cách chi tiết mà nghệ thuật. Khán giả nhìn thấy sự độc đáo của di sản, giao thoa và lan tỏa cùng các di sản khác trong cùng dân tộc Lạc Việt, tạo nên sự gắn kết của nghìn năm tích tụ lại"- Đạo diễn Lê Thế Song chia sẻ.

Khép lại một chương trình nghệ thuật ấn tượng, điểm nhấn của chuỗi sự kiện tôn vinh di sản lần này là tinh thần đoàn kết các dân tộc, là niềm tự hào về di sản phong phú của cha ông ta trao truyền lại. Chương trình gửi gắm thông điệp, mỗi người Việt Nam đều là con cháu Vua Hùng, dân tộc Việt Nam dù đa dạng bản sắc nhưng thống nhất trong sự phát triển, cùng xây dựng một đất nước tươi đẹp, hòa bình, có sức sống hàng nghìn đời, có bản sắc văn hóa vô cùng đặc sắc mà không phải quốc gia nào cũng có được.