Nghi thức tuyên thệ khi nhậm chức:

Học tập Bác Hồ

ANTĐ - Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thực hiện nghi thức tuyên thệ, để lại hình ảnh đẹp trước Quốc hội và cử tri cả nước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, người mới được bầu làm Chủ tịch Quốc hội là một phụ nữ thực hiện nghi thức tuyên thệ. Vậy nghi thức tuyên thệ còn được thực hiện với các chức danh nào? Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 1-4.

- PV: Ngoài Chủ tịch Quốc hội, những chức danh nào sẽ phải tuyên thệ nhậm chức sau khi được Quốc hội bầu?

- Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định 4 vị trí phải tuyên thệ nhậm chức sau khi được Quốc hội bầu ra, cụ thể là: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Trong Luật Tổ chức Quốc hội cũng đã nhắc lại điều này.

- Việc tuyên thệ nhậm chức như vậy có phải là lần đầu tiên, thưa ông? 

- Năm 1946, đứng trước lá cờ của Tổ quốc, Bác Hồ đã hướng về phía đình Tân Trào và tuyên thệ khi được bầu làm Chủ tịch nước, do đó nghi thức tuyên thệ không phải là lần đầu tiên chúng ta thực hiện. Nghi thức này là học tập Bác Hồ. 

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện nghi thức tuyên thệ trước Quốc hội với 4 chức danh như trên, nên trong quá trình thực hiện, sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để điều chỉnh sao cho nghi thức được thực hiện trang trọng nhất, hoàn chỉnh và đầy đủ ý nghĩa nhất.

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn mỗi nghi thức tuyên thệ kéo dài bao lâu, nội dung lời tuyên thệ của các chức danh được bầu được quy định ra sao?

- Nghi thức tuyên thệ với mỗi chức danh sẽ được thực hiện trong 3 phút. Về nội dung lời tuyên thệ, trong Hiến pháp, luật quy định khi tuyên thệ phải có các nội dung chính là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp. Còn ý sau của lời tuyên thệ thì tùy theo chức năng nhiệm vụ của mỗi đồng chí được bầu vào các chức danh khác nhau, sẽ có lời tuyên thệ, lời hứa khác nhau, không thể giống nhau được.  

- 4 chức danh được bầu và thực hiện tuyên thệ tại kỳ họp này của Quốc hội khóa XIII có phải thực hiện lại nghi thức tuyên thệ nếu tiếp tục được tái cử tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV hay không?

- Có chứ. Tháng 7 tới đây, tại phiên họp đầu tiên, Quốc hội khóa mới (khóa XIV) sẽ tiến hành bầu và các chức danh được bầu có trách nhiệm phải tuyên thệ theo quy định của pháp luật sẽ thực hiện tuyên thệ.