Hoàng Đình Tài dấn thân vào sơn mài

ANTĐ - Sau 20 năm dấn thân với niềm đam mê sơn mài, Hoàng Đình Tài đã có một dòng nghệ thuật mới, đúng với nghĩa đã tạo nên một nhịp điệu lạ cho bản hòa tấu hiện đại, trên cái nền sơn mài truyền thống. Ba lần triển lãm là ba lần Hoàng Đình Tài cho người xem thưởng thức ba cung bậc chuyển động trong sáng tạo về hình tượng và sắc màu trong tranh sơn mài của anh.

Một tác phẩm của họa sĩ Hoàng Đình Tài 
1. Sinh thời, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng nhận xét họa sĩ Hoàng Đình Tài là một nhà thơ trong hội họa. Ông nói vậy, khi nhớ lại những ngày cả hai cùng đi sáng tác tại Trường Sơn, suốt tám năm trời. Hoàng Đình Tài xung phong đi bộ đội năm 1965, là chiến sĩ bộ binh Sư đoàn 320, nhưng không bao giờ ngừng vẽ, ở mọi nơi mọi lúc, mặc cho bom đạn. Hoàng Đình Tài nở nụ cười bên giá vẽ, và hay mơ mộng với những hình tượng chiến sĩ trên con đường máu lửa, cùng với nét vẽ phơi phới lạc quan trong gian khổ. Hàng trăm ký họa của Hoàng Đình Tài được gửi từ chiến trường miền Nam đều in trên các báo Trung ương và quân đội, từ 1966 đến 1972. Dường như trong anh có hai con người, chiến sĩ và họa sĩ, vừa chiến đấu vừa vẽ. Rời tay súng là anh lại vẽ những hình ảnh mà anh cùng đồng đội vừa trải qua. Anh vẽ về giấc ngủ của đồng đội, về những cô gái cùng nhau đọc thư, hay phút nghỉ ngơi sau trận đánh... Mỗi nét vẽ của Hoàng Đình Tài đều ẩn giấu những nỗi niềm của người nghệ sĩ đối với đồng đội. Đó là sự sẻ chia, đồng cảm và tình yêu thương để cùng nhau vượt qua cái chết, quyết tâm giành lại độc lập và tự do cho quê hương, đất nước.  Đặc biệt, chuyến đi cùng nhà thơ Phạm Tiến Duật tại Lào hơn nửa tháng trời, Hoàng Đình Tài đã thể hiện một nội lực kỳ lạ, trong từng ý tưởng và hình tượng đầy sức ám ảnh người xem. Trong khi nhà thơ Phạm Tiến Duật có được “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” và “Tiểu đội xe không kính”... thì Hoàng Đình Tài thể hiện hàng trăm ký họa tại chỗ, trên tiền tiêu và ụ pháo, trên chiến hào và trong lán trại. Đó là các tác phẩm như: “Lòng dân A Lắc”, “Trọng điểm  Văng Mu”, “Bản mới giải phóng” hay “Giữa hai trận đánh”... Chuyến đi ấy biết bao gian khó, thiếu ăn, thiếu nước và bệnh sốt rét nặng nề, nhưng anh vẫn chỉ một lòng nghĩ tới công việc vẽ và vẽ.  Có nhà chuyên môn đã nhận xét tác phẩm của chiến sĩ, họa sĩ Hoàng Đình Tài “hừng hực như lửa”, nhưng lại sâu sắc, nặng tình qua những ý tứ mới lạ. Do đó, người ta nói tranh của anh có “Ngọc” và có “Thần” trong nhịp điệu chuyển động. Có lẽ vì thế, anh đã được đặc cách kết nạp vào Hội Mỹ thuật, ngay tại cuộc triển lãm trong thời kỳ chiến tranh, năm 1972, khi mới 25 tuổi. Đây là hiện tượng có một không hai tính đến nay, khi anh lính Hoàng Đình Tài trở thành họa sĩ, mà không hề được cắp sách đến trường vẽ ngày nào. 2. Sau này, khi tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, năm 1980, Hoàng Đình Tài lại thêm một lần thể hiện sự dấn thân của mình sang  lĩnh vực mới. Anh đã chọn cho mình con đường đến với sơn mài. Có lẽ vì trong những năm học tại trường Mỹ thuật, họa sĩ trẻ Hoàng Đình Tài đã gặp gỡ một kỳ nhân trong làng hội họa, đó là Nguyễn Sáng, cây đại thụ trong làng hội họa Việt Nam. Trước hết là sự mến mộ một tính cách Nam bộ bộc trực và đam mê với cuộc sống, sau đó là  cảm phục về tài năng, nhất là sự sáng chói của Nguyễn Sáng trong lĩnh vực sơn mài. Ngay từ đầu, cậu sinh viên Hoàng Đình Tài đã thường xuyên tiếp xúc với người thầy này để học hỏi và tìm hiểu tường tận bí quyết trong sáng tạo nghệ thuật hội họa sơn mài của ông. Sự quyến rũ của Nguyễn Sáng đối với Hoàng Đình Tài quả là có một không hai. Ngoài sự học hỏi về kỹ thuật lẫn tư duy hình tượng, Hoàng Đình Tài còn bị nhiễm cả cung cách làm việc và sinh hoạt của Nguyễn Sáng. Thậm chí có thời, người ta cảm giác cậu học trò này vẽ giống thầy quá. Vậy mà chẳng bao lâu, Hoàng Đình Tài đã chứng tỏ một tư chất sơn mài khác hẳn, một kiểu chơi sơn ta, một chất liệu truyền thống độc đáo cho riêng mình. Để xác định một con đường hội họa cho sơn mài không phải dễ dàng. Bởi trước anh, đã có một Nguyễn Sáng thâm trầm, ẩn ức, đồng thời lại còn có một Nguyễn Tư Nghiêm rực rỡ, lãng mạn. Chưa hết, còn đó lưu danh một cái tên lừng lẫy Nguyễn Gia Trí sang trọng cung đình. Vậy ta sẽ là cái gì đây? Câu hỏi ấy trăn trở ngày đêm trong tâm trí Hoàng Đình Tài. Lúc này cần một hơi thở mới, một nhịp đập mới trong dòng chảy sáng tạo. Đúng lúc đó Hoàng Đình Tài từ bỏ cuộc sống công chức sau khi làm 10 năm ở Xưởng Mỹ thuật Trung ương (1980-1990), để làm họa sĩ tự do.  Sức sáng tạo nổi trội của Hoàng Đình Tài ở nhịp điệu của đời sống tràn lên mặt sơn, náo nhiệt và rạo rực sức trẻ, khác hẳn những người đi trước, tranh của họ đều trầm tĩnh và biểu hiện ý tưởng kín đáo, với ánh sáng cổ điển. Chính vì thế, ba lần triển lãm (1992-2000-2008) anh đã để lại cụm tranh “Nhảy múa”, “Tình yêu” hay “Nhạc rock”. Đó là những vũ điệu mới của tranh sơn mài, với một cách xử lý màu hiện đại nhưng vẫn thấm đẫm cốt cách thuần Việt.  Quả là người xem đã bất ngờ với nhịp điệu sơn mài hiện đại của Hoàng Đình Tài. Sau hàng chục năm trăn trở sáng tạo, anh đã vượt ra khỏi cái bóng Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm hay Nguyễn Gia Trí để tìm cho mình một ngôn ngữ riêng. Nói đúng nghĩa hơn, tranh sơn mài của anh có giai điệu của hình tượng và lời ca trong màu sắc thật sống động, khẳng định một phong cách khiến những ai đã từng xem tranh sẽ chẳng thể quên.