Hơn 4.000 tỷ đồng đào tạo nghề cho Lao động nông thôn:

Hoài nghi về chất lượng

ANTĐ - Trong khi nông nghiệp ngày một thu hẹp, nông dân thất nghiệp hàng loạt thì đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) vùng mất đất vẫn còn chông chênh. Đề án đào tạo nghề cho LĐNT dù đã vạch ra được một số hướng đi cụ thể nhưng vẫn khiến người trong cuộc hoài nghi.

Đào tạo nghề cho LĐNT hiệu quả vẫn chưa cao


Sẽ có 300.000 LĐ mất  việc

Nhận định về tiến độ mất đất nông nghiệp thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho rằng, do quá trình đô thị hóa nên diện tích đất nông nghiệp và diện tích đất nông nghiệp bình quân trên đầu người liên tục giảm. Thống kê cho thấy, năm 2010, tiện tích đất nông nghiệp của TP đã giảm hơn 16.000ha so với năm 2009, và hiện tại, tổng diện tích đất NN toàn TP còn 172.837ha. Diện tích đất nông nghiệp bình quân trên đầu người của Hà Nội hiện rất thấp, khoảng 290m2/người, chưa bằng 60% so với khu vực đồng bằng sông Hồng, xấp xỉ 24% của cả nước.

Trong khi đó, theo kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020, quỹ đất nông nghiệp TP chỉ còn 130.000ha, giảm gần 50.000ha so với hiện tại. Kéo theo đó là gần 300.000 LĐNT sẽ mất việc làm.

Thêm vào đó, tỷ lệ LĐNT được qua đào tạo nghề để có thể ứng dụng KHKT vào sản xuất NN quá ít. Nông dân không có đủ kiến thức cộng với những tác động của cơ chế thị trường làm giảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học. Dù là khu vực có tỷ lệ đô thị, công nghiệp hóa cao, hiện, tỷ lệ LĐNT vẫn chiếm tới hơn 60% LĐ toàn thành phố. TP Hà Nội dù dẫn đầu cả nước về tỷ lệ LĐ qua đào tạo, song, số LĐ này chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, còn khu vực NT, tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo chiếm tới gần 85%, độ tuổi 18-43 chiếm 88%.

Thời gian qua, các cơ sở, trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn TP hình thành nhiều, song, chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị. Hơn nữa, hầu hết các trường, trung tâm đào tạo vẫn theo nhu cầu xã hội, tập trung vào những ngành nghề thu hút người học.

Hơn 4.000 tỷ đồng liệu có kết quả thiết thực?

Mục tiêu mà đề án đào tạo nghề cho LĐNT đưa ra, đến năm 2015, tỷ lệ LĐNT qua đào tạo chiếm 45% và đến năm 2020 là 70%, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 62.000 LĐNT, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo là 80%. Đối với việc hỗ trợ LĐNT đi học, đề án đều đưa ra các mức hỗ trợ cụ thể, tùy theo hình thức học, 3 tháng, 6 tháng hay lâu hơn. Tổng kinh phí để thực hiện đề án vào khoảng hơn 4.300 tỷ đồng.

Điều mà nhiều người băn khoăn, liệu, đề án đào tạo nghề cho LĐNT có mang lại kết quả như mong đợi? Việc làm này, không chỉ Hà Nội mà cả nước đã thực hiện từ khá lâu, song, kết quả mang lại chưa cao. Nhiều LĐNT vẫn chưa nhận thức đúng, đầy đủ về học nghề. Với một số nghề nông, 100% LĐNT đăng ký học không mất học phí, lại được trợ cấp phần nào đi lại, ăn trưa, nhưng một số nơi, đến vận động nông dân đi học còn khó. Chưa kể, học nghề xong rồi, nông dân không biết vận dụng vào việc gì, vì lúc đó, đất đã bị thu hồi, học nghề nông về xong không lẽ để canh tác trên giấy. Giống như việc, trao cho nông dân cái cần trong khi ao hồ lại lấp hết. Còn với những ngành nghề phi nông nghiệp, thì do đào tạo xong, mức lương làm trong các nhà máy, xí nghiệp không cao, khiến một bộ phận lớn LĐNT không mặn mà, bỏ việc tham gia đội ngũ LĐ tự do phổ biến hiện nay. Đó là sự lãng phí trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.

Cũng bởi vậy, không ít chuyên gia lo lắng, liệu đào tạo nghề cho LĐNT có trở thành phong trào khi mà hiệu quả không cao, chưa thiết thực, thu hút được LĐNT tham gia. Để LĐNT thấy được sự thiết thực cần phải có nghề, cần phải qua đào tạo, là phải làm sao thay đổi được nhận thức, cách nhìn nhận. Ngoài ra, cần có một cuộc điều tra nhu cầu tổng thể, xem LĐNT cần gì, thiếu gì, đặc biệt là nhu cầu của thị trường, sự chấp nhận của doanh nghiệp đối với những lao động này.