Hình tượng danh nhân Nguyễn Trãi lên sân khấu

(ANTĐ) - Nửa năm sau khi bắt tay vào thực hiện đề án khôi phục các giá trị nghệ thuật chèo cổ và “mở hàng” thành công bằng 2 vở “Quan Âm Thị Kính” và “Nàng Sita”, Nhà hát Chèo Hà Nội đang rậm rịch luyện tập để đưa trở lại sàn diễn một số vở chèo cổ đặc sắc. Lần đầu tiên hình tượng Anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi cũng sẽ được tái hiện lại qua các làn điệu dân ca ngọt ngào... Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội để hiểu thêm về các dự án sân khấu ý nghĩa này.

Hình tượng danh nhân Nguyễn Trãi lên sân khấu

(ANTĐ) - Nửa năm sau khi bắt tay vào thực hiện đề án khôi phục các giá trị nghệ thuật chèo cổ và “mở hàng” thành công bằng 2 vở “Quan Âm Thị Kính” và “Nàng Sita”, Nhà hát Chèo Hà Nội đang rậm rịch luyện tập để đưa trở lại sàn diễn một số vở chèo cổ đặc sắc. Lần đầu tiên hình tượng Anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi cũng sẽ được tái hiện lại qua các làn điệu dân ca ngọt ngào... Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội để hiểu thêm về các dự án sân khấu ý nghĩa này.

“Nàng Sita” – một trong những vở của dự án khôi phục các giá trị nghệ thuật chèo cổ

“Nàng Sita” – một trong những vở của dự án khôi phục các giá trị nghệ thuật chèo cổ

Một là đứng im, hai là vận động...

- PV: Được biết Nhà hát đang có ý định tái dựng vở chèo “Tấm Cám” của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, đây có phải vở diễn tiếp theo nằm trong đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống Hà Nội?

- NSƯT Thúy Mùi: Cùng nằm trong đề án này còn có một số vở nữa đang chờ phục dựng song chúng tôi quyết định mở màn năm 2009 bằng việc dựng lại Tấm Cám bởi thời điểm đầu năm cũng là lúc diễn ra nhiều hoạt động lễ hội và nếu như kịp trình làng như dự kiến thì vở diễn sẽ là món quà ý nghĩa để hướng về nguồn cội.

Thời gian từ nay đến lễ kỷ niệm Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi cũng không còn nhiều nên riêng trong năm nay chúng tôi sẽ gấp rút tập trung phục dựng lại khoảng 4-5 vở chèo cổ quan trọng như: Ngọc Hân công chúa, Người thiên đô... và đặc biệt là dàn dựng một vở mới toanh nói về người con tài hoa của kinh đô Thăng Long - Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

- PV: Với số lượng các tác phẩm cần phục hồi tương đối nhiều, thời gian thì lại cận kề, việc làm sao để vừa kịp tiến độ vừa đảm bảo chất lượng nghệ thuật hẳn là áp lực không nhỏ, thưa bà?

- NSƯT Thúy Mùi: Để có thể làm sống lại những giá trị chèo cổ trên sân khấu nghệ thuật đương đại quả là chuyện không hề đơn giản. Chính vì thế mà chúng tôi cũng đã phải tìm đến sự cố vấn, hỗ trợ của những đạo diễn gạo cội cũng như nhiều nghệ sỹ bậc thầy của nền sân khấu Việt Nam hiện nay: NSND Dương Ngọc Đức, NSND Doãn Hoàng Giang...

Đấy có lẽ là sự đảm bảo yên tâm nhất về mặt tiến độ và chất lượng vở diễn. Hơn nữa tôi nghĩ sân khấu bây giờ có rất nhiều yếu tố thuận lợi về mặt phương tiện công nghệ để có thể làm đẹp hơn, lung linh hơn và có chất lượng tốt hơn xưa. Dĩ nhiên cũng vẫn phải chờ đợi xem các nghệ sỹ trẻ của Nhà hát có tải được các vai diễn vượt qua được bậc đàn anh, đàn chị đi trước hay không nữa.

Xây dựng vở chèo về danh nhân Nguyễn Trãi...

- PV: Trở lại với dự án đưa hình tượng danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi vào chèo, tại sao Nhà hát lại chọn dựng vở này đúng vào thời điểm đang bận rộn như thế?

- NSƯT Thúy Mùi: Đây là một trong những vở mà các nghệ sỹ của Nhà hát sau khi đọc xong đều cảm thấy thích thú và mong muốn được chuyển thể lên sân khấu. Riêng tôi thì nghĩ với một tác phẩm nhận được sự đồng cảm của nhiều người như thế thì dứt khoát sẽ hay và có khả năng “sống” lâu trong lòng người xem. Vả lại đây sẽ là món quà ý nghĩa mà Nhà hát muốn gửi tới Thăng Long - Hà Nội nhân dịp 1.000 năm tuổi.

- PV: Tác phẩm sẽ khắc họa Nguyễn Trãi ở những khía cạnh nào - lịch sử hay đời thường, thưa bà?

- NSƯT Thúy Mùi: Vì thời lượng có hạn, chỉ co hẹp trong vòng 2 tiếng nên mặc dù đề cập xuyên suốt quãng đời của Nguyễn Trãi song vở diễn sẽ chỉ tập trung nhấn mạnh vào một vài dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của ông. Tất nhiên bao trùm lên đó vẫn là khí phách hào hùng và nét đẹp văn hóa của một con người lỗi lạc. Dựa trên kịch bản của NSND Lê Chức và dưới bàn tay dàn dựng của NSND Doãn Hoàng Giang, hình ảnh nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi chắc chắn sẽ rất ngọt và dễ vào sân khấu chèo.

- PV: Vở diễn lần này có đi sâu vào khai thác vụ án lịch sử Lệ Chi Viên từng được tái hiện lại trên nhiều thước phim và sàn diễn không, thưa bà?

- NSƯT Thúy Mùi:  ở hồi 2 của vở cũng có đề cập đến vụ án oan này song không đi sâu vào khai thác riêng rẽ mà tái hiện lại một dấu mốc lịch sử trong cuộc đời của ông. Tuy vậy vụ án lần này sẽ được thể hiện với hình thức rất lạ. 

- PV: Vậy còn các áng thi văn đậm chất anh hùng ca của ông thì sao, liệu có được sử dụng làm chất liệu trong vở diễn lần này không?

- NSƯT Thúy Mùi: Đó chính là lợi thế để chúng tôi nhấn mạnh về chất thơ của Nguyễn Trãi xuyên suốt cả vở. Vốn dĩ loại hình nghệ thuật chèo xưa nay vẫn mang đậm chất trữ tình và tính thơ nên chắc chắn các áng thi ca của danh nhân văn hóa tài hoa này sẽ là tư liệu quý báu để chúng tôi làm sống lại hình tượng của ông trên sân khấu một cách sinh động nhất!

- PV: Dàn diễn viên góp mặt trong vở diễn lần này liệu có đem đến điều bất ngờ cho khán giả?

- NSƯT Thúy Mùi: Đến giờ thì chúng tôi đã tìm được người phù hợp vào vai Nguyễn Trãi, đó là nam diễn viên kỳ cựu Quốc Anh. Thời gian gần đây Quốc Anh thường đóng vai phản diện nhưng tôi tin ở sự trở lại của anh với vai diễn chính diện và rất khó lần này.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hy vọng dàn diễn viên tham gia không chỉ làm tròn vở diễn mà còn làm khán giả hài lòng bởi họ đều trẻ trung, xinh đẹp, diễn rất tốt và đều thuộc... thế hệ 8X cả. Hy vọng vở mới này cũng như các vở chèo cổ được phục dựng, sẽ hay để sống lâu, trở thành vở truyền thống của Nhà hát và là món quà ý nghĩa gửi tặng Hà Nội 1.000 năm tuổi!

Bích Hậu

(Thực hiện)