Hiểm họa cháy nổ từ công trình nhà xưởng vi phạm

ANTD.VN -  Thời gian vừa qua, đã có những vụ cháy xảy ra tại các nhà xưởng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, để lại những thiệt hại nặng nề. Các kho chứa hàng, xưởng sản xuất là những nơi luôn tồn tại rất nhiều nguy cơ xảy cháy, đặc biệt là với những nhà xưởng xây dựng trái phép, bởi những đối tượng này không được nghiệm thu bất cứ tiêu chuẩn nào về an toàn phòng cháy.

Ám ảnh cháy xưởng

Vào khoảng 1h sáng ngày 18/8, tại kho xưởng tại thôn Dục Nội, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội đã xảy cháy. Tiếp cận hiện trường, Cảnh sát PCCC xác định, đám cháy tại kho hàng hóa xảy cháy có diện tích khoảng 1.000m2, kết cấu khung thép, mái tôn cao 6m với các nguyên liệu dễ cháy chủ yếu là giấy, ván ép công nghiệp...; đám cháy sinh ra nhiều khói khí độc, vận tốc cháy lan nhanh và có khả năng cháy lan sang các khu vực nhà xưởng, kho lân cận.

Đến nay, vụ cháy này vẫn là nỗi ám ảnh đối với những hộ dân sinh sống quanh đây. Do chất cháy chứa các nguyên liệu dễ cháy chủ yếu là giấy, ván ép công nghiệp... nên đám cháy phát sinh nhiều khói, khí độc gây khó khăn cho việc chữa cháy và tổ chức cứu nạn cứu hộ.

Tài sản bên trong xưởng tại thôn Dục Nội, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh bị thiêu rụi

May mắn khi không gây thiệt hại về người, thế nhưng tổn thất về tài sản lại rất lớn. Tài sản bên trong xưởng đều bị thiêu rụi, xe tải chỉ còn trơ trọi khung, nhà xưởng cũng bị lửa làm biến dạng, đổ sập.

Đáng nói, kho xưởng này là công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đã bị lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính và bị đình chỉ hoạt động do chưa đáp ứng các nghiệm thu về PCCC. Thực trạng này đòi hỏi chính quyền địa phương cần có những động thái mạnh mẽ, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm.

Trung tá Lê Xuân Đại, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, CAH Đông Anh, cho biết: “Năm 2023, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã ra quyết định xử phạt và yêu cầu đình chỉ hoạt động do vi phạm các quy định về PCCC, đó là đưa công trình vào sử dụng mà chưa được nghiệm thu PCCC. Sau khi vụ cháy xảy ra, CAH Đông Anh đã tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính”.

"Mất bò mới lo làm chuồng"

Trước đó, một vụ cháy nghiêm trọng khác vào tối 5-3 vừa qua cũng xảy ra vụ cháy nổ xưởng sang chiết gas ở thôn Đỗ Hà, xã Khánh Hà,Thường Tín đã khiến 1 người chết. Nạn nhân bị thương nặng đã không qua khỏi và tử vong vào sáng hôm sau. Đây là một nhà xưởng trái phép được xây dựng trên đất nông nghiệp.

Điều đáng nói, những nhà xưởng trái phép vẫn xuất hiện ở nhiều nơi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là nguy cơ chết người khi không đảm bảo các điều kiện phòng cháy chữa cháy.

Hiện trường vụ cháy giống như một sàn chiết nạp gas trong nhà xưởng bị đổ sập do vụ cháy.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm, đã xảy ra 925 vụ cháy, nổ, khiến 25 người chết và 14 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 8,5 tỷ đồng. Trong đó,số vụ cháy trong nhà, công trình, cơ sở là 665 vụ (chiếm 71,89% tổng số vụ cháy).

Thực tế tại một số khu vực ngoại thành khác ở Hà Nội, những nhà xưởng, công trình trái phép vẫn tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Chưa kể các công trình mọc san sát, chỉ cần hỏa hoạn xảy ra, rất có thể sẽ thành thảm họa cháy lan sang nhiều các nhà xưởng khác.

“Đa phần các công trình nhà xưởng, lán tạm xây dựng trên đất nông nghiệp hoặc đất đã có dự án, và lén lút cho thuê, nên đầu tư ban đầu cho công tác PCCC gần như không có. Có chăng thì chỉ trang bị bình bọt chữa cháy. Với khối tích nhà xưởng lớn như vậy, chất dễ cháy nhiều bên trong xưởng thì phương tiện chữa cháy ban đầu không thể đáp ứng được công tác chữa cháy. Thêm nữa là sự chủ quan của các chủ xưởng, dẫn đến các vụ cháy lớn”, Trung tá Lê Xuân Đại chia sẻ.

Bên cạnh sự lơ là, chủ quan của cơ sở trong công tác PCCC thì phải kể đến trách nhiệm của chính quyền địa phương. Những vụ cháy nhà xưởng là bài học cần nghiêm túc nhìn nhận, từ đó các cấp chính quyền đưa ra định hướng trong công tác quản lý, kịp thời ngăn chặn những vi phạm từ khi chớm phát sinh. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.