Hé lộ thêm thủ đoạn mới của tội phạm công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ chờ khách chốt đơn mua hàng online, tội phạm lợi dụng để “nẫng tay trên” của shop. Đây là cảnh báo đối với cả khách hàng lẫn các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên nền tảng số hiện nay.

Chị N.T.T., chủ một cửa hàng bán hoa online thông qua nền tảng mạng xã hội Facebook chia sẻ, quá trình kinh doanh, tội phạm không “hack” tài khoản Facebook và Zalo - hai tài khoản chị thường xuyên tương tác với khách hàng. Tuy nhiên, khi giao hàng, nhân viên vận chuyển yêu cầu khách chuyển tiền thì chủ shop mới ngã ngửa vì người mua đã chuyển tiền cho một tài khoản của các đối tượng lừa đảo.

Cơ quan Công an cho biết, thủ đoạn của các đối tượng rất đơn giản. Chúng vào trang Facebook bán hàng của chị T., sau đó lọc ra các bình luận chốt đơn để lại số điện thoại và địa chỉ công khai, sau đó, lợi dụng việc một số ngân hàng cho đổi số tài khoản bằng tên dễ nhớ, nên các đối tượng đã đổi số tài khoản lừa đảo bằng họ tên của chị T.

Khách hàng do quá quen với việc mua hàng online nhà chị T., ngược lại chị T. cũng không yêu cầu đặt cọc hoặc chuyển tiền trước đối với khách quen, nên nhiều người đã chuyển khoản vào số tài khoản lừa đảo.

Tổng số tiền khách hàng của chị T. đã chuyển cho các đối tượng là hơn 20 triệu đồng. Những người này chỉ phát hiện ra mình là nạn nhân của tội phạm sau khi nhận được hàng do shop chị T. giao tới.

Mua hàng online, nhiều người vô tình trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo công nghệ cao

Mua hàng online, nhiều người vô tình trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo công nghệ cao

Thực tế, những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh và trở thành xu hướng của người tiêu dùng. Việc mua hàng online dần là thói quen của nhiều người dân. Và đây cũng là cơ hội cho tội phạm công nghệ cao hoạt động. Chúng đã lợi dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số, sự bất cẩn của người mua và người bán để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

“Các đối tượng nghiên cứu các cửa hàng bán hàng online trên các mạng xã hội Facebook, Tiktok… sẽ có khách hàng chốt đơn công khai và để lại số điện thoại. Sau đó, chúng lập các tài khoản Zalo có tên trùng với tên của cửa hàng, trực tiếp nhắn tin với khách hàng để “chốt đơn” và cung cấp số tài khoản nhận tiền trùng với tên của chủ cửa hàng. Người mua do chủ quan, khi thấy tài khoản Zalo và số tài khoản ngân hàng trùng với tên cửa hàng mình mua nên đã chuyển tiền mua hàng” - Đại diện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội cho biết.

Do vậy, Cơ quan Công an khuyến cáo người bán: Cần công khai các thông tin về địa chỉ, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội và tài khoản thực hiện giao dịch.

Đối với người mua: Cần kiểm tra lại thông tin của người bán trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Nên sử dụng dịch vụ “ship COD” trong các giao dịch mua bán. Thận trọng trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch tài chính thông qua mạng xã hội.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.