Hậu quả nghiêm trọng khi vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga xuất hiện tại Belarus

ANTD.VN - NATO có thể sớm đáp trả việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, từ đó mở màn cho cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ được triển khai trên lãnh thổ quốc gia láng giềng Belarus nhằm đáp trả việc NATO cung cấp đạn pháo có chứa Uranium nghèo cho Ukraine.

Đích thân Tổng thống Lukashenko trước đó cũng đã nói với báo chí rằng Belarus chủ động gửi đề nghị tới Tổng thống Putin, yêu cầu triển khai vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ nước mình.

Với những gì vừa xảy ra, các nhà phân tích đã nỗ lực tìm hiểu về chủng loại vũ khí hạt nhân chiến thuật nào có thể được triển khai, và thậm chí thiết lập vị trí có khả năng nhất cho việc bố trí của chúng.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh chúng ta đang nói về vũ khí hạt nhân chiến thuật, rõ ràng đây sẽ là các đầu đạn hạt nhân cho hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M, gần đây đã xuất hiện trong kho vũ khí của Belarus.

Có tính đến dữ liệu từ các nguồn mở, đương lượng nổ của một đầu đạn hạt nhân như vậy có thể lên tới 50 kiloton, gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng nếu được sử dụng cho một cuộc tấn công.

Ngoài ra cũng có thể nói về khả năng Nga chuyển giao tên lửa hàng không được trang bị đầu đạn hạt nhân cho Belarus, tuy nhiên do Minsk không có máy bay ném bom cỡ lớn nên viễn cảnh này rất khó xảy ra.

Dựa vào các nguồn thông tin từ Belarus, có thể xác định được một nơi cất giữ vũ khí hạt nhân chiến thuật, khả năng cao là các đầu đạn sẽ được đặt tại một căn cứ của trung đoàn tên lửa 369 trước đây.

Cho đến gần đây, cơ sở quân sự này vẫn ở trong trạng thái không sử dụng được, nhưng một số công việc đã được triển khai trong năm qua. Đơn vị này nằm gần khu dân cư Cheretyanka, thuộc quận Zhitkovichi của vùng Gomel, cách biên giới Ukraine khoảng 60 km.

Ngoài ra báo chí biết rằng các tổ hợp Iskander-M phục vụ trong thành phần trực chiến của Quân đội Belarus hiện đang nằm tại quận Osipovichi thuộc vùng Mogilev, không loại trừ khả năng kho vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ được đặt tại đây.

Giới phân tích cho rằng bước đi vừa được Nga và Belarus thực hiện nhằm ngăn chặn nguy cơ tiềm tàng từ phương Tây, cụ thể là đối trọng với chương trình Chia sẻ hạt nhân của NATO.

Hiện tại, bom hạt nhân chiến thuật B61-12 của Mỹ hiện đang được cất giữ ở 4 quốc gia châu Âu thuộc NATO bao gồm Đức, Bỉ, Ý và Hà Lan, cũng như ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi Belarus được hạt nhân hóa, Ba Lan chắc chắn sẽ cho phép triển khai kho vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ mình. Khi được hỏi liệu Warsaw có đàm phán với Washington về vấn đề này hay không, Tổng thống Andrzej Duda từng trả lời như sau:

"Tôi tin rằng điều này nên được nhìn từ viễn cảnh của tương lai xa, nhưng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Ba Lan sẽ củng cố an ninh của mình. Đây phải là mục tiêu dài hạn của chúng tôi, nhằm xây dựng sự vĩ đại của Ba Lan trong tương lai".

Với những gì đang diễn ra, giới phân tích lo ngại rằng Đông Âu sẽ bị thúc đẩy tiến tới hạt nhân hóa nhanh chóng, như vậy rõ ràng cuộc Chiến tranh Lạnh phiên bản hai sẽ sớm trở lại.