Hành động không chậm trễ

ANTĐ - Không phải Việt Nam phải đánh đổi điều gì mà chính việc tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp  Nhà nước và hệ thống ngân hàng sẽ giúp cho Việt Nam tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai. Đó là nhận định của Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam vừa diễn ra. Tuy nhiên, ông giám đốc cho rằng, phải tính đến kinh tế thế giới đang yếu đi có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Khủng hoảng ở khu vực đồng euro và kinh tế Mỹ yếu đi khiến tăng trưởng kinh tế thế giới ảm đạm trong năm 2012, Việt Nam không thể thờ ơ và né tránh.

Theo phân tích của các nhà tư vấn, Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc kéo lạm phát năm 2011 xuống còn 18%. Năm 2012 có thể thực hiện được mục tiêu lạm phát ở mức 9% nếu như Chính phủ sẽ không nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt. Song theo dự đoán, năm tới lạm phát của nước ta vẫn ở mức từ 10-11%. Bởi vì, tăng trưởng của Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào xuất khẩu, các nhà nhập khẩu chính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đang gặp khó khăn cho nền kinh tế nước ta khó tránh được những rủi ro.

Cần nhớ rằng, hiện nay “độ mở” của kinh tế Việt Nam là rất nhỏ, thương mại chiếm tới 150% GDP, xuất khẩu sang Mỹ và EU chiếm tới 37% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm qua. Bởi thế môi trường thương mại toàn cầu gặp nhiều bất ổn tất yếu dẫn đến những tác động bất lợi cả trực tiếp lẫn gián tiếp về khả năng suy giảm thương mại, đầu tư và qua các kênh khác. Phát biểu trên diễn đàn Hội nghị, Giám đốc Ngân hàng Thế giới khẳng định: “Sẽ không có một nền kinh tế nào có thể… miễn dịch với khủng hoảng kép trong năm 2012 do tình hình xấu đang và tiếp tục diễn ra ở khu vực sử dụng đồng euro và sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ”.

Bà Giám đốc WB nhấn mạnh rằng, điều tối cần thiết tới đây là ý chí chính trị mạnh mẽ của Việt Nam sẽ mang lại nhận thức rõ ràng về tính cấp thiết của tiến trình cụ thể hóa kế hoạch tái cấu trúc ba khâu đột phá và thực hiện theo cách đáng tin cậy. Kinh nghiệm cho thấy, sự trì trệ hoặc chậm trễ sẽ dẫn tới những khủng hoảng mà phải trả giá đắt hơn. Bà Giám đốc cho rằng, sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn cho Việt Nam nếu ngay từ bây giờ bắt tay vào chương trình tái cấu trúc, thay vì sau khi bị “tổn thương” bởi những khủng hoảng. Thời điểm để hành động chính là lúc này. Còn đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế thì lưu ý, kinh tế Việt Nam mới đi được non nửa chặng đường, niềm tin vẫn còn mong manh và những “tấm đệm” về khu vực tài khóa, tài chính và thương mại vẫn còn ở mức thấp. Vì vậy, theo vị đại diện này, các nhà điều hành cần hành động nhanh và dứt khoát đảm bảo tính lành mạnh của khu vực tài chính, ngân hàng. Nếu không làm được hoặc thậm chí nới lỏng các chính sách hiện nay, có thể làm hỏng những gì đã đạt được. Đặc biệt cần giải quyết không chậm trễ nợ xấu tăng, căng thẳng về thanh khoản tại một số ngân hàng nhỏ.

Nét nổi bật của Hội nghị Nhóm tư vấn năm nay không phải là 7,386 tỷ USD mà các đối tác cam kết tài trợ cho Việt Nam. Tâm điểm được thảo luận, phân tích sâu sắc, thấu đáo là tái cơ cấu ba lĩnh vực then chốt nhất của nền kinh tế. Tái cấu trúc được coi là: “công trình thế kỷ” phải hành động ngay không chậm trễ. Việc ba ngân hàng vừa được hợp nhất là bước “công phá” đầu tiên đáng ghi nhận.