Hàng Việt cần những nhà sản xuất tốt

ANTĐ - Nhiều ý kiến tham luận tại tọa đàm “Để người Việt gần hơn với hàng Việt” diễn ra ngày 29-7 đã đưa ra những giải pháp cho vấn đề này. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam đang cần có những chính sách hỗ trợ hơn nữa.

Hàng Việt về nông thôn luôn được người dân chào đón

Ông Lưu Duy Dần - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, muốn có hàng Việt tốt thì cần những người sản xuất tốt. Làng nghề là nơi thích hợp nhất để sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng nội địa nhưng phát triển lại khó khăn. Ông Dần lấy dẫn chứng khu quy hoạch sản xuất, nguyên liệu thiếu, đường sá mấp mô... không thuận lợi cho sản xuất nhưng người tiêu dùng lại đòi hỏi phải có nguyên liệu đẹp, chất lượng cao. Hiện nay, dự án đào tạo 1 triệu lao động nông thôn được xem là đã phá sản do người dân được tổ chức học nghề xong nhưng không có đất đai, vốn... sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, chính sách giãn nợ thêm 1 năm cho các làng nghề đang được Chính phủ xem xét cũng chưa hợp lý, bởi 80% doanh nghiệp làng nghề không vay được vốn sản xuất. “Chính sách ưu tiên phát triển hàng Việt nhiều, nhưng phải sát với thực tế hơn nữa” - ông Dần kiến nghị.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội cũng cho rằng, để có thêm thông tin về hàng Việt đến với người dân, cơ quan truyền thông cần giảm thời lượng chương trình phim truyện, thay vào đó là chương trình giới thiệu về hàng Việt. Sự điều tiết lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước trong nhiều trường hợp chưa đi vào cuộc sống. Ví như vụ việc Việt Nam thừa muối, nhưng vẫn phải nhập muối. “Trong khi muối của bà con diêm dân tại Quảng Bình ế ẩm không có người mua thì các doanh nghiệp thủy sản lại phải nhập muối về phục vụ sản xuất. Nguyên nhân là do muối sản xuất trong nước có chất lượng thấp hơn muối nhập. Có ý kiến đã đưa ra giải pháp khá đơn giản để hạn chế nhập khẩu nhưng cơ quan chức năng lại không làm” - ông Phong nói.

Theo Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, mặc dù giá thuê mặt bằng kinh doanh hiện nay đã giảm, nhưng với giá phổ biến từ 50-70 USD/m2/tháng thì doanh nghiệp Việt Nam khó mở rộng mạng lưới phân phối. Từ đó, hàng Việt khó tiếp cận với người tiêu dùng Việt.

Một chuyên gia kinh tế lại góp ý, các doanh nghiệp Việt Nam nên rút ngắn thời gian bán hàng. Ông lấy ví dụ, ông đi mua chiếc điện thoại tại siêu thị điện máy lớn trên phố Tràng Thi mất hơn 1 tiếng đồng hồ bởi những lời giới thiệu, đưa đón “lòng vòng”, trong khi thời gian thực cần chỉ tối đa là 10 phút. “Nếu tiết giảm thời gian bán hàng thì trong cùng khoảng thời gian đó, doanh nghiệp không phục vụ được 6 khách hàng thì ít nhất cũng phục vụ được 2 người” - chuyên gia kinh tế phân tích.

Thực tế hiện nay, thị trường Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hàng Trung Quốc giá rẻ, cạnh tranh với hàng Việt Nam, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Là người “lao tâm khổ tứ” với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA cho biết: “Quần áo, hoa quả trên thị trường Việt Nam vẫn bị Trung Quốc chiếm lĩnh. Hàng Trung Quốc chiết khấu cao, giá bán thấp nên không cần có chính sách phục vụ tận tụy cũng “tự do chảy” vào thị trường Việt Nam, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước”.

Một dẫn chứng khác được ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đưa ra là 70% hàng hóa tại chợ Đồng Xuân là hàng Trung Quốc. Theo lý thuyết thương mại, ai nắm bán buôn sẽ chi phối bán lẻ và chợ Đồng Xuân là nơi chuyên bán buôn! “Bởi vậy, không thể buông lỏng bán buôn, để tạo cơ hội cho hàng Việt gần người tiêu dùng Việt Nam hơn” - ông Phú đề nghị.