Hàng Thái Lan dần chiếm lĩnh thị trường Việt Nam
Cạnh tranh với hàng Trung Quốc
Từ năm 2011, hàng tiêu dùng Thái Lan được nhập khẩu vào Việt Nam nhiều chỉ đứng sau hàng Trung Quốc. Hàng có xuất xứ Thái Lan đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Việt Nam nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và giá cả tương đối hợp lý với thu nhập của người Việt.
Đến một cửa hàng tiêu dùng Thái Lan trên phố Pháo Đài Láng, trong diện tích trưng bày chỉ hơn 10m2 chúng tôi thấy có đến hàng trăm mặt hàng tiêu dùng. Từ giày dép đến bát đũa, chổi lau nhà, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo… với giá bán chỉ cao hơn một chút so với hàng Việt Nam.
Sau nhiều vụ việc tai tiếng về chất lượng thấp kém của hàng Trung Quốc, hàng tiêu dùng Thái Lan có cơ hội mở rộng mạng lưới kinh doanh. Hầu như bất kỳ một tuyến phố nào: Tây Sơn, Giảng Võ, đường Láng, Tô Hiến Thành, đường 70… cũng có cửa hàng chuyên bán hàng nhập khẩu Thái Lan. Ngay trong bối cảnh kinh tế khó khăn này, hàng Việt tồn kho cao, nhưng trên phố Láng Hạ, nhiều cửa hàng bán hàng Thái Lan vẫn được khai trương. Bên cạnh đó, các mặt hàng điện tử, điện máy của các hãng: Sharp, Philips, Panasonic, Sanyo… đặt nhà máy sản xuất ở Thái Lan, phân phối tại thị trường Việt Nam thay thế một lượng không nhỏ hàng sản xuất tại Trung Quốc trước đây. Điều này phần nào nói lên sức hấp dẫn của hàng Thái đối với người tiêu dùng Việt.
Ngẫm về hệ thống tiêu thụ hàng Việt
Đánh giá công bằng, hàng Thái Lan hơn hẳn hàng Trung Quốc về chất lượng và không thua kém về mẫu mã. Còn so sánh với hàng Việt, giá hàng Việt rẻ hơn không đáng kể nhưng chất lượng và mẫu mã thì có khoảng cách khá xa. Chẳng hạn, đồ gia dụng bằng nhựa Thái Lan làm bằng nhựa dẻo, có trang trí hoa văn, màu sắc bắt mắt, trong khi hàng Việt Nam thường đơn điệu mẫu mã, có gờ sắc cạnh… cho thấy người sản xuất chưa đầu tư nhiều cho sản phẩm. Hóa mỹ phẩm của các tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Thái Lan cũng có chất lượng nhỉnh hơn hàng sản xuất tại Việt Nam. Thực tế này cũng nói lên, đối với người tiêu dùng, giá cả phải đi liền với chất lượng, và sau đó là mẫu mã. 3 yếu tố này tạo nên sức cạnh tranh cho bất kỳ sản phẩm nào.
Hàng Việt tại thị trường Việt có lợi thế to lớn về sự am hiểu khách hàng và mạng lưới phân phối. Nhưng người tiêu dùng lại chưa thấy các cửa hàng tiêu dùng chuyên doanh hàng Việt Nam! Đó là điểm yếu của các nhà sản xuất khi họ chưa quan tâm tới mạng lưới phân phối. Hàng tiêu dùng Việt đủ để phục vụ người Việt nhưng thường bị lẫn lộn trong “biển” hàng Trung Quốc ở bất kỳ cửa hiệu tạp hóa nào. Việc trộn lẫn hàng Việt với hàng Trung Quốc giá rẻ đã vô tình hạ thấp thương hiệu hàng Việt, đánh đồng hàng Việt với hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường.
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên kết với nhau để mở mạng lưới phân phối hàng Việt bằng chính sách tốt cho các đại lý, tương tự như hàng Thái Lan hiện giờ để đẩy mạnh tiêu thụ hàng nội địa. Biết đâu khi ấy, người Việt khi sang Lào, sang Thái Lan… lại bắt gặp các cửa hàng chuyên doanh hàng Việt!