Hàng Thái cũng bị nhái

ANTĐ - Do giá cả và chất lượng đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng nên hàng Thái Lan ngày càng có ảnh hưởng lớn tới thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, người tiêu dùng có thể mua phải hàng “Thái rởm”.

Hàng tiêu dùng Thái Lan được nhiều người lựa chọn

Ưu thế chất lượng, giá hợp lý

Theo Thống kê của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã nhập khẩu 3,4 tỷ USD hàng hóa từ thị trường Thái Lan, tăng 5,76% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chính Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan là máy móc thiết bị, hàng điện gia dụng và linh kiện, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hàng rau quả, dầu mỡ động thực vật… Thực tế trên thị trường cho thấy, các cửa hàng hàng tiêu dùng Thái Lan mọc lên ngày càng nhiều trên các tuyến phố: Giảng Võ, Tây Sơn, Láng Hạ, Pháo Đài Láng… Sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng gồm: đồ gia dụng bằng nhựa, các loại nồi nấu, mỹ phẩm, khăn bông, giày dép, hàng may mặc… 

Một chuyên gia kinh tế của Bộ Công Thương cho biết: “So với hàng tiêu dùng Việt Nam và Trung Quốc thì sản phẩm đến từ Thái Lan có giá cao hơn từ 5-15% nhưng chất lượng được người tiêu dùng tin tưởng hơn. Còn so với các hàng hóa nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp… thì hàng Thái Lan có giá rẻ hơn. Chính vì điều này mà hàng Thái Lan ngày càng được thị trường Việt Nam ưa chuộng”.

Chị Nguyễn Cẩm Linh (nhà ở phố Pháo Đài Láng), khách hàng thường xuyên của cửa hàng hàng Thái Lan trên phố này chia sẻ: “Tôi thích hàng Thái Lan vì màu sắc nhẹ nhàng, trang nhã, khá gần gũi với hàng Việt nhưng chất lượng hơn hẳn. Sản phẩm nhựa rất dày dặn, không có gờ sắc cạnh… tiện dụng và giá không quá cao”. Trong khi đó, chị Trần Thu Hương (nhà ở phố Tây Sơn) thường xuyên mua mỹ phẩm tại các cửa hàng tiêu dùng Thái Lan đánh giá, các sản phẩm: sữa rửa mặt, sữa tắm, dầu gội đầu như: Clear, Pantene, Dove… đều của các công ty đa quốc gia nhưng sản xuất tại Thái Lan dùng mượt tóc, thơm hơn hàng sản xuất tại Việt Nam. 

Không thường xuyên tổ chức khuyến mãi, giảm giá nhưng sức hút của hàng Thái Lan với người tiêu dùng Việt không vì thế mà giảm sút. Điều này chứng tỏ hàng tiêu dùng Việt Nam đang bị hàng Thái Lan cạnh tranh gay gắt trên “sân nhà”. 

Cẩn trọng hàng Thái “rởm”

Chị Trần Thu Hương kể, có lần ghé vào cửa hàng tiêu dùng Thái Lan trên phố Thái Hà, người bán hàng giới thiệu dụng cụ vắt cam của Thái Lan được giảm giá 50%, chỉ còn 15.000 đồng/chiếc, chị Hương mua về nhưng nhanh chóng thất vọng vì thiết bị quá nhỏ, chỉ thích hợp với quả cam loại nhỏ. “Sau khi rửa thiết bị này, phần nhựa có gờ màu trắng lem nhem giống như rửa bẩn vậy. Tôi chán quá vứt đi luôn, mua cái khác to hơn và biết mình đã mua phải hàng Thái rởm”- chị Hương nói.

Thực tế cho thấy, các cửa hàng hàng tiêu dùng Thái Lan thường không chỉ bán hàng có xuất xứ Thái Lan, mà còn có cả hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, và hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc do không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Trong khi đó, người bán hàng nếu được hỏi sẽ luôn khẳng định đây là hàng Thái. 

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Giảng Võ) mua chai dầu gội đầu Kerasys tại một cửa hàng Thái Lan với giá 180.000 đồng. Tìm hiểu trên mạng internet, chị Tuyết được biết đây là một trong những loại dầu gội đầu được nhiều người sử dụng tại Hàn Quốc. “Sử dụng ngay lần đầu tiên đã thấy, dầu gội rất mượt tóc và mùi thơm dễ chịu, nhưng dầu rất loãng và gây ngứa đầu, rụng tóc kinh khủng. Tôi nghĩ dầu này không phù hợp với mình. Nhưng sau khi than thở với bạn bè, 2 người bạn khác của tôi cũng kể như vậy. Về xem lại nhãn mác mới thấy sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt nên chẳng biết đường nào mà lần. Tôi đổi dầu gội khác, nhưng phải đến 4 lần sau khi gội dầu mới, cảm giác ngứa đầu mới chấm dứt”- chị Tuyết kể.