Hàng nghìn giáo viên trung học phải dạy mầm non

ANTD.VN - Đây là thực tế đang diễn ra tại nhiều địa phương do lỗi quy hoạch và yếu kém trong khâu dự báo. 

Giám đốc các Sở GD-ĐT Nghệ An, Đà Nẵng thừa nhận phải giải quyết bài toán dôi dư giáo viên ở cấp trung học bằng cách điều chuyển về dạy mầm non sau quá trình bồi dưỡng, đào tạo lại. Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, năm 2016, tỉnh đã thí điểm ở 3 huyện và năm 2017 sẽ triển khai đại trà trên quy mô toàn tỉnh... 

Điều chuyển giáo viên trung học sang dạy mầm non không đơn giản vì yêu cầu công việc ở hai bậc học khác nhau

Điều chuyển vội vã

Dù biết là bất đắc dĩ nhưng nhiều người không đồng tình với giải pháp điều chuyển giáo viên dôi dư ở bậc trung học sang dạy mầm non mà các địa phương đang triển khai. Bà Chung Bích Phượng, nguyên Phó phòng phụ trách khối mầm non của Phòng Giáo dục quận Tân Phú, TP.HCM cho rằng, cách làm này sẽ không thành công do giáo viên 2 cấp học này khác nhau về đặc thù công việc, môi trường làm việc và nhận thức. Nhiều ý kiến từ giáo viên cũng lo ngại,  nghiệp vụ giáo viên phổ thông rất khác biệt với mầm non nên điều chuyển sẽ  không hiệu quả. 

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các địa phương rà soát, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên THPT được điều chuyển dạy mầm non và tiểu học. Nguyên nhân do một số địa phương đã điều chuyển giáo viên THCS, THPT dạy tiểu học và mầm non khi chưa được đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học theo quy định, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Được biết, những địa phương có lượng dôi dư giáo viên cấp THCS lớn gồm: Thái Bình: 1.224 người; Phú Thọ: 1.191, Thanh Hóa: 2.188, Nghệ An: 1.742, Quảng Nam: 1.096. Trong khi đó, các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non gồm: Sơn La: 1.040, Bắc Giang: 1.921, Thái Bình: 1.500, Thanh Hoá: 1.405, Nghệ An: 3.328, TP.HCM: 1.195. Ở bậc tiểu học, một số địa phương thiếu nhiều giáo viên như Hà Nội: 2.696, Sơn La: 1.133, Gia Lai: 1.196.

Mất cân đối vì không nắm quyền chủ động

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa chỉ ra nhiều bất cập liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm đội ngũ giáo viên. Theo đó, ngành giáo dục hiện nay không có quyền gì về tuyển dụng đội ngũ và tài chính. Con người do ngành Nội vụ nắm, kinh phí do ngành Tài chính nắm và phân bổ, còn ngành GD-ĐT thì phải chịu trách nhiệm về chất lượng, do vậy các Sở GD-ĐT gặp rất nhiều khó khăn. Suốt từ năm 2007 đến nay, Thanh Hóa giao quyền quản lý đội ngũ từ mầm non đến THCS cho Chủ tịch UBND huyện; giao chỉ tiêu biên chế, thanh tra kiểm tra về Sở Nội vụ; phân bổ tài chính là Sở Tài chính. Do đó, việc khắc phục tình trạng mất cân đối giáo viên ở các bậc học của địa phương khó giải quyết.

Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT nêu thực tế tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học. Nguyên nhân do thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, còn do một số địa phương thực hiện quy hoạch, sáp nhập mạng lưới trường lớp dẫn đến dôi dư giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên...

Tại các địa phương, việc phát triển các khu công nghiệp quy mô lớn quá nhanh và tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị cộng với giảm tỉ lệ sinh trong giai đoạn những năm trước 2000 dẫn đến số học sinh THCS và THPT suy giảm, việc nới lỏng sinh con thứ ba giai đoạn sau năm 2000 và những năm gần đây... dẫn đến gia tăng tỉ lệ học sinh tiểu học và trẻ mầm non khiến ở bậc học này thiếu nhiều giáo viên.

Đối với giải pháp điều chuyển giáo viên dôi dư, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý các địa phương cần tránh tình trạng chưa chuẩn bị điều kiện tối thiểu cho giáo viên theo đúng yêu cầu của từng bậc học, cấp học. “Không thể vì thiếu quá, bí quá mà chúng ta vội vàng đưa giáo viên đang dạy trung học xuống dạy mầm non chỉ sau vài tháng tập huấn. Làm như vậy rất nguy hiểm. Về tuyển mới giáo viên, thời gian tới, sẽ phải căn cứ vào chuẩn giáo viên sắp được Bộ ban hành thay thế” Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu.