Hàng loạt trường hợp người đi xe máy vi phạm giao thông bị tạm giữ xe

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Theo quy định mới nhất, người đi xe máy vi phạm giao thông sẽ bị giữ xe trong hoàng loạt trường hợp, trong đó có việc điều khiển xe lạng lách, đánh võng, sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy...

Theo Khoản 1 Điều 48 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định đối với những hành vi vi phạm giao thông của người điều khiển xe máy sau:

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;

Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc; Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;

Điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; Điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định;

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng;

Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng của người thi hành công vụ;

Ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe, trừ trường hợp chở trẻ em dưới 6 tuổi ngồi phía trước;

Điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; Sử dụng còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;

Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; Tái phạm hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng;

Điều khiển xe không có chứng nhận đăng ký xe hoặc sử dụng chứng nhận đăng ký xe đã hết hạn sử dụng, hết hiệu lực;

Sử dụng chứng nhận đăng ký xe bị tẩy xóa; sử dụng chứng nhận đăng ký xe không đúng số khung, số động cơ (số máy) của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp; Điều khiển xe không gắn biển số; gắn biển số không đúng với chứng nhận đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp…

Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 48 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, khi phương tiện bị tạm giữ theo quy định nêu trên, chủ phương tiện phải chịu mọi chi phí (nếu có) cho việc sử dụng phương tiện khác thay thế để vận chuyển người, hàng hóa được chở trên phương tiện bị tạm giữ.